Sẽ hỗ trợ để Mê Linh và các huyện cuối cùng của thành phố hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ

Sáng 19/11, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt hơn 27.800 tỷ đồng, đạt 91,7% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Cơ cấu các ngành công nghiệp đạt 87,8%, dịch vụ đạt 6,3%, nông nghiệp là 5,9%; thu ngân sách nội địa ước đạt hơn 790,4 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán thành phố giao; chi ngân sách đạt 1.182 tỷ đồng, đạt 90,8% dự toán thành phố giao.

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ, đến nay, 16/16 xã trên địa bàn huyện Mê Linh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 108/HD-UBND của UBND TP Hà Nội. Hiện, Mê Linh đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xét, đề nghị trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Vừa qua, đoàn thẩm của Trung ương và TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Cả hai đoàn thống nhất cao về việc huyện Mê Linh đã đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận về đích nông thôn mới.

Không chỉ hoàn thành các tiêu chí theo quy định, kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh còn nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân. Theo đó, trong tổng số 38.681 hộ dân được lấy ý kiến (đạt tỷ lệ 65% tổng số hộ trên địa bàn), có 38.398 hộ dân bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được, chiếm tỷ lệ 99,3% tổng số hộ được khảo sát theo quy định.

Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 có 6-8 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, 1-2 xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Lãnh đạo thành phố thăm mô hình trồng lan công nghệ cao tại Mê LinhLãnh đạo thành phố thăm mô hình trồng lan công nghệ cao tại Mê Linh.

Tại hội nghị, huyện Mê Linh đề nghị thành phố quan tâm, xem xét sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Huyện cũng đề nghị thành phố bố trí nguồn vốn cho huyện thực hiện các dự án đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, ngày 23-9-2021, về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; đầu tư kinh phí nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, mở rộng mặt đê tả sông Hồng. Huyện Mê Linh cũng kiến nghị thành phố và Sở NN&PTNT bố trí vốn xây dựng trụ sở 3 đơn vị gồm: Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm Bảo vệ thực vật và trồng trọt, Trạm Khuyến nông để cán bộ, người lao động yên tâm công tác...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Mê Linh có lợi thế về giao thông kết nối từ nội đô về huyện rất thuận lợi, tuy vậy, đến nay, huyện vẫn nằm trong tốp cuối về xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cho rằng, Mê Linh cần tập trung tâm sức để rà duyệt lại các quy hoạch, bởi nếu quy hoạch tốt, sẽ tạo ra động lực, nguồn lực phát triển cho huyện. Về hạ tầng khung, hệ thống giao thông của huyện đã tốt, đường đã rộng, huyện cần quan tâm đầu tư các tuyến đường bài bản. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện cần bám vào quy hoạch để cơ cấu lại sản xuất, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị Sở NN&PTNT cùng Mê Linh và các huyện xây dựng nhiều hơn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, định hình sản xuất nông nghiệp đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh từ đầu năm 2021 đến nay thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể lãnh đạo địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghịPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Mê Linh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội với đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy; cán bộ trẻ hóa, có nhiều khát vọng phát triển huyện. Tuy vậy, Mê Linh vẫn còn một số khó khăn như: Việc huy động nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến còn nhiều... Trong các tháng cuối năm 2021 và năm 2022, huyện Mê Linh cần tập trung làm tốt công tác rà soát quy hoạch, phân rõ các vùng phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện còn 2/9 tiêu chí cơ bản đạt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị hoàn thành sớm. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT để hoàn thành hồ sơ đề nghị các cấp đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới, bên cạnh hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, huyện Mê Linh cần phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội để hoàn thiện sớm hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thẩm định. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; phấn đấu giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao đạt ít nhất 70% vào năm 2025.

Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.

 HÀ LINH

 

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.