Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền:
Sở Công Thương cần đảm bảo hàng hóa đầy đủ phục vụ nhân dân đón Tết
(PNTĐ) - Chiều 10/1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Dự và chỉ đạo tại hội nghị, có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; cùng đại diện các sở, ngành, quận huyện.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thành phố; triển khai đầy đủ, đúng tiến độ 45 sự kiện kích cầu nội địa trên địa theo Kế hoạch, phát triển thêm hơn 20 điểm bán sản phẩm OCOP đưa tổng số lên trên 60 điểm trên địa bàn Thành phố; triển khai các nội dung Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… các sự kiện đã được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú.
Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương, đã thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 8,89% GRDP toàn thành phố. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,03% - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 7,3-7,8% (năm 2021 tăng 5,37%), đóng góp 1,14 điểm % vào mức tăng 8,89% của GRDP. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,8% - gấp hơn 1,8 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 4,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2021 - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 9-10% (năm 2021 giảm 4,6%). Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,8% tổng mức và tăng 17,4%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 2,83% so với tháng 12/2021. CPI bình quân năm 2022 tăng 3,4% so với bình quân năm 2021 - đạt mục tiêu kế hoạch dưới 4% (năm 2021 tăng 1,77%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,1 tỷ USD tăng 10,3%, gấp gần 4,7 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%) - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 5%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,1 tỷ USD, tăng 15,6%...

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng; khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022.
Để triển khai thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, những chỉ tiêu HĐND, UBND Thành phố giao ngành Công Thương thực hiện có thể nói là hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của mỗi Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương.

Để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công Thương, các đơn vị cụ thể hóa, bám sát và tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố giao cho Sở cùng các nhiệm vụ của Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Phối hợp chặt chẽ với các Cục, vụ, viện của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng, trình phê duyệt các Chương trình, Đề án để triển khai hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể lĩnh vực Công Thương trên địa bàn Thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thành các Phương án phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, điện, thương mại, logistics để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Có giải pháp hết sức cụ thể để phát triển công nghiệp: công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn, ổn định cung cầu hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Sở Công Thương cần tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân, đảm bảo kiềm chế được lạm phát, trong đó tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023; thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng văn minh thương (Oulett, chợ đầu mối nông sản…); tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế”.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên theo dõi, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu nhân dân đón Tết.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đã được nhận bằng khen của UBND thành phố và Sở Công Thương Hà Nội.