Góc nhìn:

Sổ hộ khẩu không còn “gây khó” người dân

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Rà soát, bãi bỏ quy định yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính; người dân chỉ cần dùng căn cước công dân, định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch và thủ tục hành chính… Quy định này được cho là giúp người dân không bị “gây khó” bởi sổ hộ khẩu như trước đây.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú năm 2020, gửi kết quả về Bộ Công an trước ngày 20/9/2022.

Đặc biệt, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân; bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp trên cơ sở rà soát, đề xuất của Bộ Công an và các bộ, cơ quan, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023 theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Việc bỏ hộ khẩu giấy là nhằm mục đích giảm giấy tờ cho người dân và hiện đại hóa việc quản lý cư trú theo lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ điện tử. Đây là chủ trương được người dân ủng hộ, bởi thực tế lâu nay, người dân gặp khó khăn không ít đối với các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự liên quan đến sổ hộ khẩu trong các vấn đề dân sinh hàng ngày. Với việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang đăng ký định danh điện tử, người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, hoặc mã số định danh là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính cần làm; từ đó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, thực hiện chủ trương phối hợp triển khai Luật Cư trú năm 2020, ngày 12/9/2022, UBND TP Hà Nội ban hành công văn số 2975/UBND-KSTTHC chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ngay công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm được lộ trình bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và phương thức sử dụng thay thế mới. 

Theo đó, để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú thống nhất, đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị đến hết ngày 31/12/2022, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các biện pháp, phương thức thông tin và truyền thông trong cơ quan, đơn vị đặc biệt đối với công chức, viên chức, người lao động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tại các phòng, ban, đơn vị tham gia việc giải quyết thủ tục hành chính về các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bao gồm: Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QR code trên thẻ CCCD có gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.

Đồng thời, hướng dẫn để công dân biết, hiểu về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 và hướng dẫn sử dụng các phương thức, cách thức sử dụng thông tin công dân thay thế. Các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân biết về các cách thức, phương thức khi tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khi sử dụng ứng dụng VNEID trên các thiết bị điện tử và việc sử dụng giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phương thức theo hướng dẫn của Bộ Công an. 

Hi vọng, với sự thống nhất và đồng bộ triển khai Luật Cư trú năm 2020, người dân sẽ “hòa mạng” thành công với chính quyền điện tử, để giảm bớt các thủ tục rườm rà và chi phí tốn kém vốn là nguyên nhân “gây khó, gây khổ” cho người dân trước đây khi thực hiện các quyền và lợi ích của mình. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.