Sớm có giải pháp ổn định giá sách giáo khoa

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục Đào tạo đã trao đổi, làm việc thống nhất đề xuất Chính phủ đưa sách giáo khoa vào Luật giá và thẩm quyền quyết định là Quốc hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay (ngày 8/6) Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đề nghị Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.

Sớm có giải pháp ổn định giá sách giáo khoa - ảnh 1
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - tỉnh Hải Dương khẳng định giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị Bộ trưởng nêu rõ về những giải pháp để giải quyết vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - tỉnh Kiên Giang cho biết, hơn 2 năm trước, Bộ Tài chính được yêu cầu tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này?

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay giá sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước, còn với sách giáo khoa, người mua sẽ lựa chọn mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất với tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch.

Sớm có giải pháp ổn định giá sách giáo khoa - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc 

Về ý kiến đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật giá, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội còn việc đề xuất của các Bộ tham mưu cho Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Về Luật giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đang sửa theo lộ trình các kỳ họp tới. Về phía Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục Đào tạo đã có trao đổi, làm việc thống nhất đề xuất Chính phủ đưa sách giáo khoa vào Luật giá; còn được hay không sẽ do Quốc hội quyết định.

Bấm nút tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Giao - tỉnh Kiên Giang cho biết: hơn 2 năm trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục Đào tạo đã kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cử tri mong muốn Bộ Tài chính chỉ rõ khó khăn gì mà chưa làm được việc này? Và đến khi nào giá sách giáo khoa có giá hài hòa, phù hợp lợi ích cả doanh nghiệp, phụ huynh?

Sớm có giải pháp ổn định giá sách giáo khoa - ảnh 3
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội phát biểu tranh luận

Tiếp theo phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội bày tỏ sự ngạc nhiên khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách Nhà nước. Khẳng định tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Đồng thời, Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học.

Trả lời về ý kiến tranh luận của đại biểu Châu Quỳnh Dao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay khi đưa sách giáo khoa vào Luật giá thì mới có cơ sở để nhà nước bù giá, duyệt giá. Còn không chỉ được quyết định ở vấn đề khung giá và khi doanh nghiệp kê khai đúng khung giá, Bộ chủ quản chỉ có thể chỉ đạo làm thế nào để tiết giảm chi phí, giúp giảm giá thành thì các em học sinh được nhờ.

Tham gia trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ phối hợp hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp ổn định. Bộ Giáo dục Đào tạo đang soạn thảo Thông tư mới quy định về quy cách, quy chuẩn của sách giáo khoa và quy cách, quy chuẩn mới này sẽ tác động đến giá sách. Đồng thời, Bộ Giáo dục Đào tạo đã và đang yêu cầu Nhà xuất bản Giáo khoa giảm chi phí, cạnh tranh lành mạnh để giảm giá thành sách giáo khoa.

Liên quan đến việc một số phụ huynh phản ánh tại một số địa phương có tình trạng bán kèm sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong Thông tư 21, Bộ Giáo dục Đào tạo nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua sách giáo khoa không đúng danh mục dưới mọi hình thức. Danh mục sách giáo khoa cho từng cấp học được Bộ trưởng ký duyệt rõ ràng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương phối hợp tăng cường, quản lý, kiểm tra.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

(PNTĐ) - Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 1488/BXD-QLN gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn. Theo đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung này và có báo cáo gửi về Bộ trước ngày 20/4/2024.
Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hiệp thương dân chủ, cử ra Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III gồm 55 đại biểu. Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III.