Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): ​

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.

Theo TS Nguyễn Mai Thuyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) là một bộ phận đặc biệt của nguồn nhân lực, bao gồm những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, đã qua đào tạo trong nhà trường hoặc trải nghiệm thực tế, có năng lực tư duy sáng tạo trong công việc, thích ứng với mọi tình huống trong chuyên môn, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển bền vững của cộng đồng nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô - ảnh 1
Quanh cảnh Hội thảo.

Để xác định tiêu chí nhân lực chất lượng cao, hiện có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức” , trong đó Đức là gốc, Tài là quan trọng, bởi “Có tài mà không có đức là người vô dụng; Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Theo quan điểm của GS, TS Hoàng Chí Bảo, nhân tài (nhân lực chất lượng cao) phải đáp ứng các yêu cầu (tiêu chí): Trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực, có thực học, thực lực và thực tài; Có bản lĩnh độc lập, cá tính mạnh mẽ, trọng đạo lý và chân lý, khát vọng tự do; Có đức tính khiêm tốn và trung thực, cương trực và niềm tin vào sự nghiệp theo đuổi, lao động cần cù và sáng tạo, đổi mới và nhạy bén, luôn có tinh thần hợp tác, liên kết; Luôn gắn bó và hướng đến phục vụ nhân dân, trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

Phát triển, thu hút nguồn NLCLC, trọng dụng nhân tài là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cũng đã được rất nhiều các địa phương triển khai thực hiện, nhất là những địa phương có điều kiện, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, các đô thị lớn. Mặc dù vậy, phát triển nguồn NLCLC cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

TS Nguyễn Mai Thuyên cho rằng: Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh “chất xám”, cạnh tranh “nhân tài”, quốc gia nào, địa phương nào có được nguồn NLCLC, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh, quốc gia đó, địa phương đó có khả năng phát triển nhanh,  và bền vững. Các quy định trong Dự thảo Luật về cơ bản là có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực Thủ đô. Mặc dù vậy, để hoàn thiện Dự thảo Luật cũng như chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật (sau khi Dự thảo được thông qua), cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Một là, cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn NLCLC. Có thể đưa vào Điều 2 Dự thảo (giải thích từ ngữ) về khái niệm nguồn NLCLC; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn NLCLC trên cơ sở mô hình A.S.K. 

 Hai là, quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn NLCLC, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp. Hiện nay, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho NLCLC, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung. Cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ NLCLC làm việc lâu dài tại Thủ đô.

Có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia hoặc địa phương về vấn đề này. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đãi ngộ rất thỏa đáng với đội ngũ trí thức tài năng. Lương của các nhà khoa học không theo thang bậc lương chung mà được trả theo kết quả công việc.

Hay, đối với trí thức trẻ, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện sinh hoạt bằng cách cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà, mua ô tô, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học… được giao lưu trao đổi khoa học với các nước trên thế giới, chính phủ có những chính sách đặc biệt với các nhà khoa học tài giỏi, dành đầu tư tốt nhất cho những nhà khoa học được lựa chọn là xuất sắc nhất của đất nước và cho họ toàn quyền sử dụng ngân sách khoa học dành cho họ.

Ở trong nước, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh… cũng đã có những chính sách khá cởi mở để thu hút các nhà khoa học, phát triển nguồn NLCLC phục vụ phát triển địa phương mà thành phố Hà Nội có thể học hỏi. Để thu hút được NLCLC, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn như xây dựng nhiều mức lương, được tăng lương định kỳ, chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt phù hợp với mỗi cấp bậc người lao động và gia đình họ đi kèm, chế độ hưu trí phù hợp để nhân tài yên tâm cống hiến và công tác… 

 Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn NLCLC thông qua phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học; thực hiện giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.

 Bốn là, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn NLCLC là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.

Bên cạnh đó, cũng cần thu hút nguồn NLCLC là người nước ngoài cống hiến cho thành phố và đất nước bằng các chính sách phù hợp.

TS. Lại Thị Phương Thảo , trường Đại học Luật cho rằng, để giải quyết các thách thức trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 

Tăng cường đầu tư và nguồn lực cho giáo dục và đào tạo: Chính phủ cần tăng cường đầu tư và cung cấp nguồn lực đủ cho hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho giáo viên và nhân viên trong ngành. 

 Tạo liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và doanh nghiệp: Thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và doanh nghiệp để đảm bảo rằng chương trình đào tạo phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động và cung cấp kỹ năng cần thiết cho sinh viên và người lao động. 

Cải thiện quản lý và chính sách: Chính phủ cần tăng cường quản lý và thúc đẩy việc thực thi chính sách trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc xây dựng các chính sách linh hoạt và cập nhật để phản ánh các thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động và xã hội.

 Tăng cường ý thức và nhận thức: Cần tổ chức các chương trình và chiến dịch để nâng cao ý thức và nhận thức của giáo viên, sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục và đào tạo. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp đào tạo và hướng dẫn, cũng như thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục.

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô - ảnh 2
TS Lại Phương Thảo tham luận tại Hội thảo.

Theo TS Trần Anh Tuấn, trường Đại học Luật Hà Nội, việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài được thực hiện theo 4 nguồn nhân lực sau: 

 Một là, học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài.

Hai là, tiến sỹ, Giáo sư, Phó Giáo sư có các công trình, đề án nghiên cứu được ứng dụng vào đời sống thực tiễn và mang lại hiệu quả.

Ba là, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và người lao động đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của Thủ đô.

Bốn là, những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác, kể cả trong và ngoài nước.

Tiến sĩ cho rằng việc thu hút nhân tài về làm việc tại Thủ đô Hà Nội không căn cứ vào bằng cấp, độ tuổi, thâm niên công tác; không phân biệt dân tộc, vùng miền, người trong Đảng hay ngoài Đảng, người trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài; không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.

Chính sách thu hút nhân tài, theo TS Anh Tuấn gồm: Một là, tuyển dụng vào công chức (không qua thi) các trường hợp đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hoặc thủ khoa; viên chức, nhà khoa học trẻ tài năng (đã có công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn; không yêu cầu thời gian công tác); doanh nhân (có sáng kiến,công trình được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh). Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương được thực hiện theo vị trí việc làm đảm nhận.

Hai là, thực hiện chế độ công chức hợp đồng có thời hạn để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính. Chế độ tiền lương và đãi ngộ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận.

Ba là, được ký hợp đồng có thời hạn và bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu) ở đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý hạ tầng hoặc các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công khác.

Bốn là, được ký hợp đồng làm việc với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo với chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thỏa thuận.

Đối với chính sách trọng dụng nhân tài, bao gồm 9 nội dung sau: Một là, được bố trí, phân công giao đảm nhiệm các vị trí việc làm ứng với các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Hai là, được hưởng lương theo vị trí việc làm và bổ nhiệm giữ chức danh công chức, viên chức tương ứng.

Ba là, được người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý phù hợp, không phải theo quy trình, thủ tục thông thường sau khi báo cáo cấp ủy Đảng.

Bốn là, được đặc cách tham gia khi tuyển chọn bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn khi có nhu cầu.

Năm là, được đặc cách đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng để rèn luyện, phát triển.

Sáu là, được bố trí nhà ở công vụ miễn phí; được ưu tiên khi thực hiện việc xuất nhập cảnh; thị thực được cấp 5 năm, sau 5 năm được miễn cấp thị thực; được miễn thuế thu nhập cá nhân; được hưởng các đãi ngộ theo quy định của HĐND Thủ đô.

Bảy là, được khen thưởng, tôn vinh kịp thời, gắn với công trạng, thành tích, không theo quy trình, thủ tục thông thường. Khi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải từ chức hoặc bị cách chức, bãi nhiệm, cảnh cáo, khiển trách, thì sau khi hết thời hạn kỷ luật, vẫn tiếp tục được trọng dụng như quy định tại Điều này.

Tám là, sau khi nghỉ hưu, nếu có sức khỏe, có tâm huyết và tinh thần cống hiến thì được mời thực hiện chế độ chuyên gia theo quy định.

Chín là, đối với nhân tài là lãnh đạo, quản lý, nếu có sức khỏe, được giới thiệu tái cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, không căn cứ vào quy định về độ tuổi....

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

(PNTĐ) - Chiều 4/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Khởi tố bị can đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

(PNTĐ) - Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An cho biết: Ngày 30/4 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ