Thu phí xe cơ giới vào nội đô: Chưa đủ điều kiện, cần xem xét thêm

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các chuyên gia nhận định việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là mục đích tốt, nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đây là vấn đề không mới vì đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, để đưa vào thực hiện thì cần phải xem xét nhiều phương diện, đặc biệt là thời điểm áp dụng.

Thu phí xe cơ giới vào nội đô: Chưa đủ điều kiện, cần xem xét thêm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chuyên gia giao thông- TS. Nguyễn Xuân Thủy: "Ùn tắc giao thông đâu phải do phương tiện cá nhân"

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: Về vấn đề thu phí, mục đích là tốt, tức là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, điều kiện để thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân hiện nay là chưa đảm bảo, chưa đủ.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra rằng: Thứ nhất, việc ùn tắc giao thông đâu phải do phương tiện cá nhân. Bởi liên quan đến hạ tầng còn yếu kém, đường phố còn chật hẹp. Có đến 50-60% mặt cắt từ 6m-11m thôi. Các ngã tư còn chật hẹp. Cửa ngõ luôn ùn tắc.

Thứ hai là, giao thông công cộng chưa thu hút được người dân. Hiện mới có 10% người dân ở Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng, còn 90% sử dụng phương tiện cá nhân (bao gồm ô tô, xe gắn máy…), mà phương tiện chính là cần câu cơm của người dân bây giờ.

Thứ ba, vấn đề quản lý và điều hành giao thông còn nhiều bất cập. Nhất là đèn đường, ứng dụng giao thông thông minh chưa tốt, điều hành giao thông không cập nhật, không hiệu quả, thiếu khoa học nên thường xuyên còn ùn tắc… là những yếu tố người dân kêu nhiều.

Vấn đề quy hoạch đô thị vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều nhà cao tầng vẫn xây ở khu lõi đô thị, di dân, di chuyển các cơ quan ra ngoài thành phố vệ chưa thực hiện là bao nhiêu. Đó là những yếu tố rất quan trọng liên quan đến ùn tắc giao thông chứ không chỉ tại phương tiện cá nhân.

Nói cách khác là điều kiện cần và điều kiện đủ thì điều kiện cần có rồi nhưng điều kiện đủ là chưa đủ thì chưa nên tăng phí, lập trạm để kiểm soát phương tiện cá nhân.

Hơn nữa, đời sống của người dân còn gặp khó khăn. Như ở các nước thu nhập 30.000-40.000 Đô la một tháng thì người ta mới thu phí. Còn ở nước ta, theo GDP thì thu nhập mới 2.000-3.000 đô la, thì làm sao mà thực hiện như các nước được.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Mỗi chiếc ô tô đã chịu đủ các loại phí rồi, phí chồng phí, giá ô tô nước ta cao hơn các nước. Trong khi đó lại thu phí nữa thì người dân sống như thế nào? Số lượng ô tô của nước ta chưa ăn thua gì so với các nước. Ở Hà Nội lượng ô tô trên 1 triệu chiếc, ở TP Hồ Chí Minh 1,2-1,5 triệu chiếc. So với Băng Cốc (Thái Lan) 4-5 triệu chiếc, so với Pari (Pháp) 6-7 triệu… so với các nước khác nữa chúng ta chưa đến mức phải hạn chế ô tô một cách khốc liệt như vậy được.

Vì điều kiện của mình, đời sống nhân dân còn thấp, việc ô nhiễm ùn tắc không chỉ có riêng do ô tô. Đồng thời, người dân mình cũng phải có cuộc sống văn minh. Mỗi người dân tiết kiệm sắm được chiếc ô tô, người dân có quyền hưởng văn minh đó. Theo tôi cũng nên tôn trọng quyền của người dân không nên quá áp đặt vào những cái vì mục đích giao thông của mình.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, việc quan trọng nhất hiện nay phải nâng cấp hạ tầng, hiện đại hóa lên, đường thông hè thoáng.

Thứ hai là giao thông công cộng phải thu hút được người dân, đường sắt đô thị quá chậm, tình trạng đội giá, thi công quá chậm… Hiện mới có một tuyến Cát Linh-Hà Đông thì làm sao đã thu hút được người dân. Phải có 3-4 tuyến, phải đan xen, phải nối kết nhau thì người dân sẽ mặn mà với phương tiện công cộng mà giảm bớt phương tiện cá nhân.

“Thứ ba, việc thực hiện năm 2024 là quá sớm. Theo tôi phải trên năm 2030  thì lúc đó mới có điều kiện có thể tư vấn áp dụng hạn chế. Nhưng, cũng không phải hạn chế như thế này mà chỉ hạn chế theo giờ cao điểm, theo đối tượng, ví như đi bệnh viện cũng hạn chế à? Tôi có việc cần thiết cho xã hội cũng hạn chế sao? Tôi nhận thấy người dân chưa đồng tình và tôi cũng thế”- chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Thu phí xe cơ giới vào nội đô: Chưa đủ điều kiện, cần xem xét thêm - ảnh 2
Đường Vành đai 3 cắt qua Đại lộ Thăng Long

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: "Cần xem xét lại thời điểm áp dụng"

Nội dung thu phí vào nội đô là việc đặt ra từ rất lâu rồi, không phải là mới, lần này chỉ nhắc lại và cụ thể hóa một số nội dung. Ở nhiều nước đã áp dụng chính sách này rồi và họ đã thành công. Nhưng đối với Hà Nội thì cần phải xem xét cẩn thận hơn các đề xuất này.

Trước hết là hệ thống giao thông của chúng ta là hệ thống giao thông đa phương thức. Tức là vừa thừa kế hệ thống giao thông mạng lưới ô bàn cờ của Pháp, vừa kết nối hệ thống giao thông Vành đai và tuyến trung tâm. Đặc biệt mỗi một lần quy hoạch chúng ta lại xác định thêm các tuyến trung tâm từ ngoại thành vào nội đô. Ví dụ như, trước đây chúng ta có 7 trục xuyên tâm, nay hình thành 9 trục xuyên tâm vào nội đô. Vì vậy bây giờ chúng ta phải xem xét điểm nào là điểm chốt để phân ranh giới giữa khu vực bên ngoài và khu vực vào nội đô.

Trong dự thảo mới thông tin có chốt một số điểm ở đường Vành đai 3. Nhưng đấy chưa phải là bao trùm hết được các liên kết giao thông bên ngoài và nội đô, còn rất nhiều đường nhánh khác. Vấn đề đặt ra ở đây là nghiên cứu xác định hệ thống các điểm kiểm tra cho hợp lý hơn.

Trong nội đô, tính từ đường Vành đai 3 vào bên trong có nhiều vùng khác nhau, có nội đô lịch sử, có cả nội đô mở rộng. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng ta xây dựng nhiều khu đô thị mới, khu dân cư có chức năng là trung tâm của Thủ đô. Vậy thì khu vực này sẽ làm giảm hoạt động của khu vực này đi, không gắn kết với các điều kiện của người dân ở đây. Bởi dân cư ở KĐT đoạn gần, sát đường Vành đai 3 có thu nhập, cuộc sống tương đối tốt, họ mua ô tô đi làm để thuận tiện. Như vậy sẽ ảnh hưởng chất lượng sống và mức độ thu nhập của người dân này.

Quan trọng nhất là nội đô lịch sử, thì nên có thí điểm trước đã sau rồi mới mở rộng từ Vành đai 2 trở ra như vậy hợp lý hơn. Nếu không sẽ là thuế chồng thuế.

Một vấn đề nữa là khi thu phí nội đô cần xem xét thêm nữa quy mô và phân loại các phương tiện hợp lý hơn chứ không nên nói chung chung như thế.

Đề xuất này hợp lý nhưng nghiên cứu cụ thể thì cần kỹ hơn nữa. Đặc biệt nên có phân loại thí điểm. Nên bàn về nội đô lịch sử trước vào bên trong. Đừng để chính chúng ta xây lên khu đô thị mới cao tầng, người dân nhiều ô tô rồi lại thu phí như thế.

Về thời điểm áp dụng năm 2024, theo tôi cần phải xem xét lại. Vì theo kế hoạch của thành phố năm 2023 này còn nhiều việc phải làm, hoàn thiện các tuyến đường. Theo tôi có thể thí điểm khu vực hẹp, tập trung vào khu vực nào khó khăn về giao thông thôi chứ đừng thí điểm toàn bộ từ Vành đai 3 trở vào thì khó khăn cho người dân.

Thu phí xe cơ giới vào nội đô: Chưa đủ điều kiện, cần xem xét thêm - ảnh 3
Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: Thu phí một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông

Thông tin với báo chí, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bản chất phí thu phương tiện cơ giới vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông là một khoản thu mà người sử dụng xe ô tô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông trong một khoảng thời gian quy định.

Loại phí này do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, ấn định trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nhằm thiết lập một dịch vụ điều tiết giao thông bằng công cụ kinh tế (thông qua việc tự giác thay đổi hành vi của các chủ thể tham gia giao thông, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao sang phương thức hiệu quả hơn như giao thông công cộng...).

Về khía cạnh lợi ích, tất cả chủ thể tham gia giao thông và toàn xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tiết kiệm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa nhờ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực thu phí.

Phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông, do vậy, không áp dụng đại trà đối với tất cả phương tiện, các khu vực cũng như các khung giờ trên thực tế. Loại phí này chỉ áp dụng đối với xe ô tô hoạt động tại những khu vực nhất định và trong những khung thời gian nhất định.

Đây là loại phí mang tính tùy chọn, tự giác, người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo một cung đường khác đã được bố trí sẵn cho phương tiện quá cảnh, hoặc tự giác chuyển sang một loại phương tiện khác không phải đóng phí (như chuyển sang phương tiện giao thông công cộng), hoặc chuyển sang khung giờ ngoài cao điểm.

Người sử dụng phương tiện lựa chọn trả phí để quá cảnh qua khu vực thu phí sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian nhờ vào việc cải thiện tốc độ lưu thông trên các trục đường trong khu vực thu phí.

Trong báo cáo gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ban hành ngày 10/10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã nêu lộ trình thí điểm thu phí. Cụ thể, nếu đề án được HĐND thành phố Hà Nội thông qua và UBND thành phố Hà Nội trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 thì đến năm 2024, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm và chính thức áp dụng từ năm 2025.

Việc triển khai đề án như thế phù hợp với quy định hiện hành.

Giai đoạn thí điểm sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, thành phố tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm  - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.