Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kết hợp với ngoại lực của cả vùng, của trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ của vùng Tây Bắc, có lợi thế là cầu nối giữa vùng Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Thủ đô Hà Nội (kết nối qua đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, 12B, 21, 15A, 70B... và các tuyến cao tốc Hòa Bình - Hà Nội, Hòa Bình - Sơn La đang được triển khai).

Hòa Bình tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp (điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng; đất đai màu mỡ, diện tích lớn phù hợp cho phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp); là địa điểm du lịch giàu tiềm năng (với các địa điểm Kim Bôi, Thung Nai, Thác Bờ, Mai Châu, hồ thủy điện Hòa Bình...); còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.

Hòa Bình là vùng đất cổ, có nền văn hóa phát triển, cái nôi của văn hóa Mường (với 7 dân tộc, trong đó người Mường chiếm khoảng 63% dân số cả tỉnh); nhiều di tích văn hóa, lịch sử; nền ẩm thực đa dạng, phong phú (có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị...).

Các báo cáo, ý kiến cũng nêu rõ những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà Hòa Bình đạt được thời gian qua. Năm 2023, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; đẩy mạnh chuỗi liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân quý I đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; năng lực cạnh tranh chưa cao. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số dự án đầu tư chậm tiến độ. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều bất cập; hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn gây thiệt hại. Chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển - ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua.

Theo Thủ tướng, Hòa Bình có lợi thế lớn trong kết nối 3 vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và với Thủ đô Hà Nội; có điều kiện phát triển toàn diện về công nghiệp và nông nghiệp; có nền văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử hào hùng.

Thủ tướng đánh giá hơn 1 năm sau chuyến công tác và làm việc tại Hòa Bình cuối tháng 2/2023, tỉnh có 5 điểm hơn: Nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh chuyển biến tích cực hơn; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và các cấp chính quyền tốt hơn.

Hòa Bình và các bộ, ngành cũng đã cơ bản hoàn thành 6 nhiệm vụ và đang tích cực triển khai 6 nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc cuối tháng 2/2023.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết còn nhiều băn khoăn, trăn trở như tỉnh phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần xây dựng kế hoạch, thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển - ảnh 3
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo bộ ngành và tỉnh Hoà Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh phát triển theo mô hình tập trung đa cực, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng. Trong đó, đô thị Hòa Bình, Lương Sơn đóng vai trò trung tâm; khu vực động lực phát triển phía đông là cầu nối với Hà Nội, vùng trung du và miền núi phía bắc…

Các hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Đông-Tây (định hướng phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn, ngôi nhà thứ hai và công nghiệp…) và hành lang kinh tế phía Đông (định hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngôi nhà thứ hai và nông nghiệp sạch).

3 vùng công nghiệp gồm: (1) Vùng ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; (2) Vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; (3) Vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh Hoà Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".

"Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.

"Hai tăng cường" gồm: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); (2) Tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua sản xuất kinh doanh, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất…

"Ba đẩy mạnh" gồm: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm; (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tỉnh luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, kết hợp với ngoại lực của cả vùng, của trong nước và quốc tế.

Phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao...

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng cho rằng Hòa Bình phải hết sức chú trọng phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng hạ tầng chiến lược.

Với các sản phẩm OCOP, nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, cần chú trọng xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; kết nối với doanh nghiệp để cung ứng nguyên liệu đầu vào, kết nối thị trường; kết nối với các nhà khoa học để làm chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, bảo quản sau thu hoạch; kết nối với ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển - ảnh 4

Lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi các đề xuất, kiến nghị của Hòa Bình liên quan tới triển khai dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá đến Quốc lộ 6 và một số nội dung khác.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hoà Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển - ảnh 5
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long phát biểu

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khẳng định, tỉnh Hoà Bình đang có quyết tâm rất cao để triển khai 2 dự án đường bộ này. Tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030, bổ sung danh mục xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình bằng nguồn ngân sách tỉnh (khoảng 500 tỷ đồng).

Đồng thời, tỉnh Hoà Bình cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan để lập hồ sơ 2 di chỉ Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và nghiên cứu, đề xuất việc lập hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Lần đầu tiên Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch kỳ họp của ủy ban thuộc UNCTAD

Lần đầu tiên Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch kỳ họp của ủy ban thuộc UNCTAD

(PNTĐ) - Diễn ra từ ngày 29/4 tại thành phố Geneva, kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Đầu tư, Doanh nghiệp và Phát triển thuộc khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) có sự tham gia của đại diện tất cả các quốc gia thành viên, các cơ quan chuyên môn, cơ quan liên chính phủ, cơ quan xúc tiến đầu tư và tổ chức phi chính phủ.