Thực thi Luật Thuế giá trị gia tăng đảm bảo công bằng, minh bạch
(PNTĐ) - Từ ngày 1/7/2025 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đảm bảo công bằng và minh bạch trong thực thi chính sách tài chính.
Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là việc giảm ngưỡng thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua vào phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng.
Theo đó, doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, đã bao gồm thuế GTGT.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm một số trường hợp như: Trường hợp thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng cổ phiếu, trái phiếu, nếu phương thức thanh toán này đã được quy định rõ trong hợp đồng, thì phải có hợp đồng mua bán bằng văn bản được lập trước đó.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng đưa ra hướng dẫn mới đối với các cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% sẽ được hoàn thuế GTGT nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tục.
Nếu cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ chịu nhiều mức thuế suất GTGT, thì phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào dùng cho sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%.
Nếu không thể hạch toán riêng được, số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% sẽ được xác định theo tỷ lệ phân bổ giữa doanh thu từ hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% và tổng doanh thu của tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế trong kỳ hoàn thuế…
Luật Thuế GTGT được đánh giá không chỉ là một bước tiến trong việc hiện đại hóa hệ thống thuế, mà còn là minh chứng cho sự cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Những cải cách này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn thu ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng thời, Luật đặt nền móng cho một hệ thống thuế minh bạch hơn, phù hợp với xu hướng cải cách thuế quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế và phòng chống gian lận.
Dự thảo Nghị định đã hướng dẫn chi tiết thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, thời điểm xác định thuế GTGT do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm xác định thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối.
Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) được cung cấp thông qua bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng...