Tiết kiệm, chống lãng phí cũng là tạo nguồn cho phát triển

Chia sẻ

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời gian được rút ngắn để tập trung chống dịch Covid-19, song Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Hoàn thiện nhân sự cấp cao, 6 nữ lãnh đạo các cơ quan Nhà nước 

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã bầu hoặc phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước, gồm các khối Chủ tịch nước; Chính phủ; Quốc hội; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Tất cả 50 nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước khóa XV đều tham gia Trung ương khóa XIII.

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết: "Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước".

Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 ra mắt Quốc hộiChính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 ra mắt Quốc hội. (Ảnh: QH)

Cơ cấu số lượng bộ, ngành của Chính phủ nhiệm kỳ mới giữ nguyên như khóa trước, với 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Riêng số lượng Phó Thủ tướng giảm từ 5 xuống 4 Phó Thủ tướng. Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất gồm 27 chức danh, người trẻ nhất là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (45 tuổi), có hai thành viên là nữ.

Các chức danh lãnh đạo Quốc hội khóa XV mới gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Thường vụ. Trong đó, 14 người tái cử và bốn nhân sự mới.

Có 6 nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước là nữ, đó là: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Về trình độ học vấn, có ba giáo sư là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Giáo sư kinh tế); Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm (Giáo sư khoa học an ninh); Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (Giáo sư y học). Ngoài ra còn có 5 phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 23 thạc sĩ, một kỹ sư và 4 cử nhân.

Giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí tạo nguồn phát triển 

Tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có báo cáo khá chi tiết về những việc đã thực hiện để tiết kiệm. Đó là việc cắt giảm tuyệt đối hoạt động khởi công, khánh thành, cắt giảm đoàn đi nước ngoài… Thậm chí có những số liệu minh chứng cụ thể, đó là những sáng kiến trong việc xét nghiệm Covid-19 gộp để tiết kiệm chi ngân sách.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, những việc đang gây lãng phí khiến cử tri và nhân dân bức xúc nhất hiện nay thì báo cáo mới chỉ điểm danh, kể tên, chứ chưa đánh giá một cách sâu sắc, cụ thể như những việc đã làm để tiết kiệm. Một trong những lãng phí rất lớn, phải kể tới là trong lĩnh vực đầu tư công, trong thực hiện các dự án đầu tư. Đại biểu cho rằng, thực hiện giải ngân đầu tư công chậm sẽ là một việc gây lãng phí rất lớn khi đã huy động tiền vốn. Trong khi vẫn phải trả lãi tiền vốn đó, vốn “nằm yên” ở Kho bạc, trong ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình. Khi công trình triển khai chậm tiến độ, toàn bộ vốn đưa vào không thể trở thành tài sản đưa vào sử dụng. Chúng ta vẫn trả tiền lãi cho toàn bộ vốn huy động này. Đó là phần lãng phí của xã hội. Những công trình triển khai không đúng tiến độ kéo theo chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy lại gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực liên quan. Những vấn đề này vẫn chưa có đánh giá. Những dự án đầu tư xong không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao là  sự lãng phí từ quyết định đầu tư dẫn đến quá trình sản phẩm tạo ra không mang lại lợi ích xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: “Đất nước còn nghèo, nhưng nhiều hoạt động đầu tư không được tính toán một cách chắc chắn và ổn định. Đó là hình ảnh trên nhiều tuyến phố, con đường, hôm nay, công trình làm việc này đào lên lấp xuống, ngày mai công trình khác lại đào lên, lấp xuống. Sự lãng phí đó là do không có sự phối hợp, không có sự tính toán một cách chắc chắn về bước đi”.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, chống lãng phí có thể nói là phạm trù rất rộng, đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai, thời gian, cơ hội; đặc biệt là sức lực, trí tuệ, rồi có những việc đó là cách thức tổ chức làm việc, rồi chủ trương, chính sách nữa. Một chủ trương chính sách sai có thể gây lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm nổi. Chống lãng phí trước hết là phải thực hành tiết kiệm và biết để đừng làm ra những việc gây ra lãng phí, việc đó tôi nghĩ còn quan trọng hơn. Khi làm như vậy thì hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu cũng chỉ ra những lãng phí trong việc cán bộ, công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để sẵn sàng cho việc bổ nhiệm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí phải là thói quen, nếp sống của từng cá nhân, bắt đầu từ giáo dục, từ mầm non, mẫu giáo. Ở nhiều nước, chống lãng phí đã trở thành đặc trưng của quốc gia văn minh, phát triển. Họ chống lãng phí không chỉ của mình mà còn của cả người khác, của xã hội. Ví như, thấy vòi nước đang chảy không ai dùng ở ngoài nhà ga, công cộng là tự đến ngắt luôn.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã quyết định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” do ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn. Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. 

Tin vào kết quả tích cực thời gian tới

Phát biểu bế mạc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ý thức sâu sắc trước những khó khăn, thách thức rất lớn do đại dịch Covid-19, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và khát khao cống hiến, tận dụng tối đa thời gian, làm việc ngoài giờ và làm thêm các ngày nghỉ, đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, xác đáng để Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, 11 Nghị quyết chuyên đề, 1 Nghị quyết chung về kỳ họp, vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn, góp phần làm nên một kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, được Nhân dân và cử tri ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Thành công của kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là sự khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới”.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam cho rằng, với cường độ làm việc cao, Quốc hội đã giải quyết được khối lượng công việc rất lớn, theo quy trình chặt chẽ, đầy đủ, đúng Hiến pháp và pháp luật. Những vấn đề công tác nhân sự hay nội dung về kế hoạch kinh tế phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công… đều giải quyết thấu đáo, được đông đảo cử tri cả nước đồng tình ủng hộ. Đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị báo cáo và các kết quả thẩm định của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Thái Nguyên kỳ họp đặc biệt với thời gian họp rút ngắn gần một nửa, Quốc hội họp ngoài giờ, họp thứ 7, Chủ nhật, nhưng chất lượng kỳ họp không có gì thay đổi, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, cũng như đại biểu. Đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu và cập nhật tình hình thực tiễn và sự quyết tâm của Chính phủ mới, của Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Tài liệu được trình ra Quốc hội nhanh chóng, được đại biểu Quốc hội tiếp nhận thảo luận. Khi có chỉnh sửa đều xin ý kiến đại biểu. Chất lượng của kỳ họp còn thể hiện ở sự trao đổi thẳng thắn, có tính phản biện, chia sẻ và đồng hành với Chính phủ. “Nhiệm kỳ mới, dù có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh và kinh nghiệm của Thủ tướng Chính phủ có được trong suốt thời gian qua, tôi tin vào kết quả tích cực trong thời gian tới”- đại biểu nhấn mạnh.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.