Tìm giải pháp phát triển "xanh, thông minh, hiện đại" cho Thủ đô

Chia sẻ

Để xây dựng Thủ đô thành đô thị thông minh, hiện đại cần bảo đảm tạo ra không gian số có mạng lưới chia sẻ thông tin rộng khắp, tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như cho mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau…

Đó là những ý kiến đóng góp tại hội thảo khoa học “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 17/12.

Hà Nội “sở hữu” những cơ hội lớn

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến: Hà Nội là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, đang gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh. Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô và những nền tảng mà TP đã thiết lập.
Trong những năm qua, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, thông minh bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường.

TP có những bước tiến trong quản lý, tạo nền tảng vững chắc; phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính cung ứng mức độ 3, 4; đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến của TP lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình của Chính phủ; hiện TP đang tiếp tục yêu cầu rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đạt tỷ lệ 100% trong năm 2021.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Tuyến thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội còn những tồn tại, hạn chế và thách thức: Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh chưa đáp ứng được yêu cầu; quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị gây ra những áp lực trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Ứng dụng giao thông thông minh thiếu sự đồng bộ, mức độ tự động hóa chưa cao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tạihội thảo.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Hùng)

Thành phố thông minh - đô thị sống tốt

Theo PGS. TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo TP có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Để Hà Nội thực hiện được mục tiêu phát triển đô thị “thông minh - xanh - bền vững”, theo PGS. TS Lưu Đức Cường mô hình phát triển TP thông minh của Hà Nội phải hướng đến các mục tiêu là đô thị sống tốt, chất lượng sống đô thị luôn được cải thiện về mọi mặt, hướng tới phục vụ người dân.

Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số Thủ đô các nước châu Âu, PGS.TS Phạm Minh Anh, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, Hà Nội cần tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, bảo mật cao bảo đảm tạo ra không gian số có mạng lưới chia sẻ thông tin rộng khắp, có khả năng kết nối ở tốc độ cao và tương tác, trải nghiệm liền mạch, đáp ứng nhu cầu quản lý, sản xuất, học tập và cuộc sống.

PGS.TS Phạm Minh Anh nêu, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh là của cư dân, do cư dân và vì cư dân Thủ đô. Đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh, do đó, TP cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của đô thị thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục