Trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ông Phạm Mạnh Cường.

Tại Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ảnh 1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ông Phạm Mạnh Cường
- Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường, và nhấn mạnh: Đây là một vinh dự lớn đối với cá nhân ông Phạm Mạnh Cường và là niềm vui chung của Văn phòng Chính phủ được kịp thời kiện toàn, bổ sung thêm lãnh đạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ trong bối cảnh khối lượng công việc lớn và thiếu nhân sự. Đến nay, Văn phòng Chính phủ đã có đủ 5 Phó Chủ nhiệm theo quy định.

Trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ảnh 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chúc mừng tân Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đồng thời, đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm và tinh thần làm việc trách nhiệm của tân Phó Chủ nhiệm Phạm Mạnh Cường. Ông Cường có chuyên môn sâu về nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong quá trình công tác, ông đã tham mưu xây dựng, chỉ đạo, điều phối các cơ chế, chính sách, chiến lược quan trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình mong muốn trên cương vị mới, ông Phạm Mạnh Cường tiếp tục phát huy năng lực, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham mưu kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách, góp phần thực hiện các đột phá chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời, cùng tập thể lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cần triển khai nhiệm vụ trọng tâm, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân.

Trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ảnh 3
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường phát biểu. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Khẳng định đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn, ông Phạm Mạnh Cường cam kết tiếp tục rèn luyện, phát huy truyền thống Văn phòng Chính phủ, chấp hành nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo, công chức Văn phòng Chính phủ để tham mưu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Phạm Mạnh Cường sinh năm 1971, quê quán tại Nam Trực, Nam Định. Ông có học vị tiến sĩ khoa học nông nghiệp (Đại học Goettingen, Đức), thạc sĩ quản lý tài nguyên thiên nhiên (Học viện Công nghệ châu Á) và cử nhân lâm sinh tổng hợp (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam).

Với trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, ông Phạm Mạnh Cường từng công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang và giữ chức vụ Vụ trưởng tại Văn phòng Chính phủ trong 7 năm trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm.

Tin cùng chuyên mục

 Kỳ họp thường kỳ lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp

Kỳ họp thường kỳ lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp

(PNTĐ) -  Dự kiến Kỳ họp thường kỳ lần thứ 9, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

(PNTĐ) - Trong 4 tháng đầu năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; dệt tăng 15,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,8%; sản xuất kim loại tăng 8,5%; sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 34,1%.