Ứng Hòa: Những nỗ lực về đích Nông thôn mới
(PNTĐ) - Ứng Hòa là huyện thuần nông, với xuất phát điểm thấp trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. 12 năm nay, với tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, nỗ lực bền bỉ, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã “về đích” chương trình nông thôn mới, diện mạo cả vùng quê đã khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc công nhận huyện Ứng Hoà, Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Từ nền thấp
Theo tuyến Quốc lộ 21B từ quận Hà Đông xuôi về phía Nam, qua địa phận huyện Thanh Oai chừng gần 30km là đến địa phận huyện Ứng Hòa với các xã bám hai bên đường như Quảng Phú Cầu, Trường Thịnh, Liên Bạt và trung tâm là thị trấn Vân Đình, Vạn Thái, Hòa Nam, Hòa Xá. Với lợi thế có đường liên tỉnh chạy qua, các địa phương này lại phát triển làng nghề và dịch vụ thương mại nên có điều kiện phát triển kinh tế hơn. Còn 11 xã (Phương Tú, Đội Bình, Trung Tú, Đồng Tân, Minh Đức, Kim Đường, Đại Hùng, Đại Cường, Đông Lỗ, Hòa Lâm, Trầm Lộng, một phần xã Tảo Dương Văn) nằm trong vùng rốn nước của cả tỉnh Hà Tây trước đây, thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Do điều kiện địa hình trũng không được bồi đắp phù sa hằng năm nên đất đai có độ chua cao, thường trồng hai vụ lúa và một vụ đông (đậu tương, ngô hoặc rau).
Khi mới bắt đầu chương trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2011, Ứng Hòa có hệ thống đường giao thông hơn 142,4km đường trục xã, 66km đường liên xã là được cứng hóa (46,35%); đường trục thôn, liên thôn có hơn 166,7km với gần 96,6km được cứng hóa (57,93%); gần 443,4km đường ngõ xóm với 229km được cứng hóa (51,65%); 504km đường trục chính nội đồng, đã cứng hóa 58,95km (11,7%); các đường trục xã, liên xã chưa có hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp.
Còn về các thiết chế xã hội như hệ thống trường học toàn huyện khi đó có 18/90 trường học (3 cấp: THCS, Tiểu học, Mầm non) đạt chuẩn quốc gia, chỉ đạt 20%; toàn bộ 28/28 xã chưa có trung tâm văn hóa thể thao; 75/133 thôn, làng có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, đạt 56,39%, hầu hết trong tình trạng cũ, xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng yêu cầu thực tế; 23 chợ cần phải được đầu tư cơ sở vật chất; 68,7% nhà ở dân cư đạt chuẩn và hệ thống thông tin truyền thông mới dừng ở hệ thống đài truyền thanh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Cùng với những khó khăn trên thì đời sống của Nhân dân cũng còn ở mức thấp, bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 12,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 13,81%; về sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung; các hình thức tổ chức sản xuất còn chưa đa dạng, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế như HTX, doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế, cơ chế hợp tác còn nhiều vướng mắc, hiệu quả hợp tác chưa cao.
Cùng đó, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo chỉ đạt 33,65%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm 49,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi 28,3%; đã có 59,9% thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch chỉ là 8,27%; công tác vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường ít được quan tâm; một số xã có tính chất trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự…
Đổi mới toàn diện
Hơn 12 năm nay, huyện Ứng Hoà đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ, trong đó xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp uỷ Đảng; ban hành các Chương trình, Kế hoạch xây dựng NTM theo nhiệm kỳ và giai đoạn.
Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Ứng Hòa đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” theo từng giai đoạn. Đồng thời, chỉ đạo HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành, các địa phương xây dựng Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án để thực hiện Chương trình về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM qua các thời kỳ.
Để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, huyện Ứng Hòa đã xác định lấy nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở cho sự ổn định và phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại làm mũi nhọn. Cơ cấu kinh tế đến nay đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng từ 30,3% năm 2015 lên 35,3% năm 2022, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng từ 29% năm 2015 tăng hơn 27% năm 2022; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 40,7% năm 2015 giảm còn 37,6% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng từ hơn 12,3 triệu đồng/người/năm (2010) lên hơn 61,5 triệu đồng/người/năm (2022). Tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 14.066 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, quá trình triển khai, huyện Ứng Hòa luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng NTM, huy động sức mạnh của toàn dân. Đồng thời, phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng NTM; thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân được bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và quan trọng hơn cả là chính người dân được tham gia thụ hưởng những kết quả từ xây dựng NTM đem lại.
Vì vậy, nhân dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công, góp của cùng với chính quyền địa phương để tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của nhân dân. Đến nay, toàn huyện Ứng Hòa đã huy động được hơn 800 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp với nhiều hình thức, như bằng tiền mặt, hiến đất nông nghiệp, ngày công lao động để làm đường làng ngõ xóm, bằng nguyên vật liệu...
12 năm qua, tổng nguồn vốn triển khai chương trình xây dựng NTM của huyện hơn 6.189 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, TP hỗ trợ hơn 3.813 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 1.131 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 592 tỷ đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa ngoài ngân sách là hơn 1.651 tỷ đồng. Đặc biệt, là sự chung tay, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân qua đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động, hiến hàng ngàn mét đất để thực hiện các công trình phúc lợi. Từ nguồn vốn đó, huyện tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, huyện Ứng Hòa cũng đặc biệt quan tâm đến tiêu chí môi trường bằng việc thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”. Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, “tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu và tranh bích họa.
Đến nay, đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa và 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa.
Cùng đó, chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được bảo đảm. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định. Có 79/90 trường học đã đạt chuẩn Quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, huyện đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có các điển hình như phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”, chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả Ứng Hòa theo tiêu chuẩn VietGap; các mô hình nuôi lợn ứng dụng điều khiển tự động, nuôi cá “Sông trong ao”, trồng rau trong nhà màng, nhà kính…
Toàn huyện đã có 28/28 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 6/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 21,4%), không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Đây là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiệm cận với đô thị, từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn của huyện Ứng Hòa phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho hay, huyện sẽ phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; phấn đấu có từ 100 sản phẩm được Thành phố đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên; hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch huyện; thu nhập bình quân/người đạt 80 triệu đồng trở lên.
Bày tỏ sự vui mừng khi xã Liên Bạt đã về đích nông thôn mới nâng cao, ông Lê Hữu Nghĩa, thôn Đình Tràng, xã Liên Bạt cho biết: Trước đây, khi thôn chưa có nhà văn hóa, các cuộc hội họp phải tổ chức ở trụ sở hợp tác xã, không thì ở đình làng, rất bất tiện. Từ khi xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 2.800m2 đất, đóng góp kinh phí, công sức xây dựng nhà văn hóa với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Từ khi có nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động cộng đồng của người dân đã được tổ chức chuyên nghiệp, thường xuyên hơn, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Ông Đặng Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cho rằng, không chỉ riêng các cấp lãnh đạo mà người dân cũng rất chú trọng việc xây dựng, phát huy và bảo tồn các công trình tại huyện. Bằng nguồn vốn xã hội hóa do người dân đóng góp, xã Liên Bạt triển khai xây dựng các tuyến "đường nở hoa" làm đẹp quê hương với tổng chiều dài hơn 3.500m và hơn 200 chiếc ghế đá đặt ven hồ, đình, chùa.