Vái vọng trong tâm

Chia sẻ

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hầu hết các di tích, đình, đền, chùa lớn trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương đã đóng cửa từ trước Tết Nhâm Dần. Không còn cảnh tượng mọi ngả đường đều đổ về lễ hội như nhiều năm trước, nhiều người dân đi lễ trong những ngày đầu xuân chỉ có thể đứng vái vọng từ xa, trước những cánh cửa chùa đóng kín.

Tạm dừng lễ hội, siết chặt quản lý để phòng chống dịch

Mùa xuân là mùa cao điểm của các lễ hội, thế nhưng hai năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã hạn chế đến mức thấp nhất hoặc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, đóng cửa các di tích, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tránh tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội đền Sóc… đã quyết định tạm dừng tổ chức.

Theo ghi nhận, tại chùa Hương, huyện Mỹ Đức đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Ngay từ cổng vào và các khu vực quanh di tích đều được lập các chốt chặn, có lực lượng ứng trực, nhắc nhở, vận động người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định của khu di tích. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, địa phương và BQL Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được yêu cầu tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân và du khách để mọi người hiểu và tuân thủ các quy định.

Chùa Hương nghiêm chỉnh chấp hành việc tạm dừng lễ hội, chiêm bái đầu nămChùa Hương nghiêm chỉnh chấp hành việc tạm dừng lễ hội, chiêm bái đầu năm

Thông báo dừng lễ hội được niêm yết công khai tại đường vào di tích. Theo BQL Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, nhiều du khách do không biết thông tin vẫn đến chùa Hương. BQL đã tổ chức 4 chốt để giám sát, tuyên truyền về việc dừng lễ hội, không đón khách tham quan. Vì vậy, nhiều du khách đến chùa Hương phải quay về.

Bên cạnh Chùa Hương, trên địa bàn TP Hà Nội, đền Gióng (huyện Sóc Sơn), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)... cũng đều tạm dừng lễ hội. Cả ba di tích trên đều là lễ hội lớn, thu hút đông người, có ngày khai hội là Mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Việc siết chặt quản lý lễ hội tiếp tục được tăng cường, thông qua việc duy trì tuyên truyền vận động cũng như lập tổ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở.

Nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối, bởi tới các lễ hội hay đi lễ chùa dịp đầu năm là một trong những phương cách trao truyền giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được các thế hệ chắt chiu, gìn giữ. Bởi thế, mặc dù các lễ hội, di tích phần lớn đều đóng cửa nhưng ở không ít di tích, đình, đền, chùa…, vẫn có thể bắt gặp quang cảnh người người chen chân đứng vái vọng, mong cầu bình an cho năm mới.

Đơn cử, tại Di tích đặc biệt quốc gia Văn Miếu- Quốc Tử Giám hay Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đình - Chùa - Bia Bà La Khê, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ…, đều có thể dễ dàng quan sát thấy hàng trăm người đứng bên ngoài vái vọng, rồi ngậm ngùi ra về.

Bên cạnh đó, một số chùa vẫn mở cửa dịp đầu năm mới Nhâm Dần 2022, thu hút đông đảo người dân tới thực hành nghi lễ cầu bình an. Tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây)… người dân khi tới lễ chùa, thăm quan phải đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và được yêu cầu đeo khẩu trang để phòng dịch.

Phóng viên cũng ghi nhận tại một số di tích vẫn có tình trạng mở cửa cho từng tốp khách vào lễ, dù quy định là phải đóng cửa. Đơn cử, tại phủ Tây Hồ còn có tình trạng thi thoảng cổng lại mở một lần để một tốp người vào và ra. Tình trạng này cũng diễn ra tại một số di tích, đình, chùa trên địa bàn Hà Nội.

Người dân vái vọng ở Phủ Tây Hồ khi đến lễ cầu an đầu XuânNgười dân vái vọng ở Phủ Tây Hồ khi đến lễ cầu an đầu Xuân

Thay đổi hình thức thực hành tín ngưỡng

Theo BQL di tích đình - chùa - Bia Bà La Khê, nơi đây là địa điểm du lịch tâm linh có tiếng của Hà Nội nên khi chưa có dịch bệnh Covid-19, vào những ngày tuần rằm, ngày cuối năm, đầu năm, mỗi ngày khu di tích đón cả chục nghìn người đến vãn cảnh, dâng hương và làm lễ. Tết Nhâm Dần, thực hiện quy định của thành phố Hà Nội trong phòng, chống dịch, khu di tích không mở cửa đón khách.

Các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng vẫn được tiến hành bình thường trong khuôn viên di tích, nhưng với số người tham dự không quá 20 người…
Đi lễ không chỉ là nét văn hóa lâu đời mà còn là nhu cầu tâm linh của rất nhiều người dân.

Người dân thành tâm đến với đền, chùa là để thấy tâm an, thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi không thể đi lễ hội, đến với các cơ sở thờ tự chắc chắn sẽ khiến không ít người bị ảnh hưởng tâm lý. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc đi lễ đầu năm là một phong tục tốt đẹp vì nó giúp cho chúng ta có tâm an, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, giúp giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, có ích cho sự phát triển văn hoá chung của đất nước.

Dù vậy, do tất cả đều là niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, mang tính chủ quan và trải nghiệm cá nhân nên chúng ta có thể thay đổi những hình thức thực hành tín ngưỡng sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cũng chỉ ra rằng, trong nhiều năm qua, việc đi lễ đầu năm đã gây ra một số phàn nàn khi nhiều người bỏ bê công việc, tốn kém tiền bạc, tụ tập say sưa, là điều kiện để phát sinh các hoạt động mê tín dị đoan.

Một số ít cơ sở thờ tự lợi dụng đức tin của người dân để trục lợi. Vì vậy, năm nay là năm thứ 2 chúng ta có một mùa lễ hội lặng lẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã hình thành nên một khoảng lặng cần thiết, để hiểu hơn luôn có một mùa lễ hội khác trong tâm của mỗi con người, sẽ có những nguyện cầu bình an luôn thường trực mà không nhất thiết phải đến từng di tích, từng đền, chùa để khẩn cầu. Ở mùa lễ hội trong Tâm đó, con người sẽ quan tâm, lắng nghe nhau nhiều hơn, cũng như chia sẻ và quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Bài và ảnh: THANH MỘC

Tin cùng chuyên mục