Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ phải là vấn đề tự thân, tự nguyện đến từ trong ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để làm được điều này, mỗi tập thể, cá nhân cần làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; khi gặp khó khăn, vướng mắc cần có sự chia sẻ, giúp đỡ, phối hợp giữa các đơn vị để có thể chủ động, linh hoạt và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học với chủ đề: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay" ngày 24/10.

Nếu không đủ bản lĩnh, sáng suốt dễ rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, phản động

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, hội nhập quốc tế, giao lưu, tiếp xúc văn hóa mang lại nhiều cơ hội để chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức khi các trào lưu văn hóa ngoại lai có thể gây ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa truyền thống và tư tưởng chính trị của đất nước.

Thông qua sản phẩm văn chương, các quan điểm cực đoan, lệch lạc, cách tiếp cận phiến diện và mơ hồ theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” rất dễ tác động tới nhận thức, tâm lý, tình cảm của người đọc. Nếu không đủ bản lĩnh, sáng suốt dễ rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, phản động.

Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý của Nhà nước, sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.

Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế - ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Tham luận tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước nên việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ chiến lược cùng với phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội phải tạo ra một môi trường thật sự dân chủ. Cùng với việc tăng cường đối thoại, chia sẻ với các văn nghệ sĩ, thành phố cũng cần quan tâm hơn tới việc bồi đắp văn hóa, tư tưởng cho thanh niên Thủ đô.

Nhấn mạnh, Hà Nội đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội có đầy đủ vị thế và sức mạnh để tập trung xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ Thủ đô xứng tầm, theo tinh thần đổi mới.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, nên lĩnh vực văn hóa của Thủ đô cũng đòi hỏi phải phát triển dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo vì lợi ích của Thủ đô, của người Hà Nội”, GS.TS Phùng Hữu Phú chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long cho rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa nói riêng có biết bao bài học sâu sắc.

"Mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch đều thất bại bởi Việt Nam đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành một quốc gia có vị thế, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhiều du khách ngỡ ngàng khi đến Việt Nam khi chứng kiến đời sống thanh bình của cư dân bản địa. Nhiều nguyên thủ quốc gia ung dung dạo phố, tiếp xúc cùng người dân, sử dụng các dịch vụ, ẩm thực đường phố một cách tự tin, thoải mái. Thực tiễn này là nền tảng vững chắc để chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là vũ khí mạnh mẽ nhất làm cho mọi sự chống phá của thế lực thù địch thất bại", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cần có niềm tin vào truyền thống văn hóa của Thủ đô, của đất nước. Từ đó tạo cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật xứng tầm với thời đại.

Tiến sĩ Lê Hải Minh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích, đánh giá những đóng góp của văn nghệ sĩ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời, đề xuất những giải pháp để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó là việc xây dựng, sáng tạo nên những tác phẩm có nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao với hình thức biểu đạt mới, thấm sâu vào cuộc sống, có giá trị lâu bền, góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới, tạo thành “sức mạnh mềm” văn hóa, giúp dân tộc trường tồn, đất nước phồn vinh.

Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế - ảnh 2
PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Khẳng định đội ngũ văn nghệ sĩ ở Thủ đô Hà Nội có tinh thần yêu nước sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của đất nước, tuy nhiên, theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học văn nghệ Hà Nội, các thế lực không ngừng tuyên truyền, dụ dỗ một số văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, tư tưởng dao động, vốn sống và kinh nghiệm viết chưa nhiều viết nên những tác phẩm kém chất lượng với cái nhìn phiến diện, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã lựa chọn.

Trên cơ sở thực tiễn, hội thảo đã đề xuất hệ thống giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức văn hóa, văn nghệ và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ và quần chúng Nhân dân Thủ đô Hà Nội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ TP với những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả hơn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức văn hóa, văn nghệ, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và quần chúng Nhân dân Thủ đô trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hoạt động, sản phẩm văn hóa, văn nghệ có nội dung không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc; vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, ngoại lai.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cần có những chỉ đạo định hướng để lực lượng văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao. Cùng với đó, cần có chế độ tiền kiểm, đọc trước những tác phẩm nhạy cảm, để hạn chế những tác phẩm độc hại bởi nếu sơ ý để những tác phẩm này in ra thì mức độ nguy hại sẽ không thể lường hết.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong góp ý, chính sách quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cần được xây dựng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm các giá trị văn hóa ngoại lai được chọn lọc và thích ứng một cách có chọn lọc, không làm phai nhạt bản sắc dân tộc, đồng thời, ngăn chặn và phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch.

Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng quan trọng nhất là “xây”

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ghi nhận đánh giá cao 35 tham luận gửi về và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Qua đó, thể hiện nhận thức rất rõ về vai trò của phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô và phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Đáng chú ý, ý kiến tham luận của một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đặt ra những vấn đề mang tính lý luận để nhận diện tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thủ đô; thể hiện sự kế thừa, tiếp thu một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ của văn hóa Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài hơn một nghìn năm lịch sử.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, chúng ta đang sống thời đại đổi mới sáng tạo, toàn cầu hóa, thời đại của nhân văn, dân chủ được đề cao. Với kho tàng đồ sộ và vô cùng quý giá như vậy, vấn đề quan trọng được đặt ra là phải tiếp thêm sinh lực để mạch nguồn văn hóa Thăng Long tiếp tục phát triển và hòa cùng dòng chảy của nhân loại.

Qua các ý kiến tham luận tại hội thảo, có nhận thức rõ hơn truyền thống nhân văn, dân chủ của Hà Nội đã luôn được phát huy và được đề cao. Chính vì vậy, cần ứng xử tinh tế sao cho có thể phát huy được “sức mạnh mềm” văn hóa nhưng vẫn bảo đảm những quy định của Đảng.

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc giữ gìn an ninh văn hóa song hành với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng quan trọng nhất là “xây”. Cùng với việc tiếp tục kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến, cần có những việc làm, hành động cụ thể để văn hóa Hà Nội phát triển sinh động, hấp dẫn hơn. Quan trọng hơn là khơi dậy được niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội, làm cho văn hóa hiện đại của Hà Nội trở nên sống động, tạo thêm sinh lực, niềm tự hào, sự tự tin cho Hà Nội.

Văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế - ảnh 3
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận. Ảnh Hương Ly

Nhấn mạnh, đại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua đã được thành phố tổ chức trên tinh thần người dân được tham gia rộng rãi và là chủ thể của đại lễ. Cùng với đó, thông qua chuỗi sự kiện được tổ chức, thành phố đã giới thiệu được văn hóa Hà Nội đang hòa cùng dòng chảy của văn minh nhân loại, không hề tụt hậu mà đã được làm phong phú hơn.

“Nếu được chứng kiến sự rạng rỡ của người dân khi tham gia chuỗi sự kiện văn hóa nhân dịp đại lễ kỷ niệm có thể nhận thấy niềm tin, sự tự hào vào các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đây cũng chính là nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển Thủ đô; chống lại những thứ đi ngược lại văn hóa Thăng Long - Hà Nội; tiếp thêm sức đề kháng để người dân bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và chống lại các tư tưởng chống phá thù địch”.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để vừa “xây”, vừa “chống” nhằm làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.

Nhấn mạnh, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, tới đây, thành phố sẽ triển khai những công trình, dự án cụ thể để tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ những giá trị văn hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trên toàn thành phố. Song hành với đó, thành phố cũng sẽ tăng cường đối thoại để có được sự sẻ chia, thấu hiểu với đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ xây dựng văn hóa trong học đường để định hình văn hóa cốt cách trong học sinh, sinh viên. Cùng với việc đưa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh vào nhà trường, tới đây cần đưa các tác phẩm kinh điển vào nhà trường bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó bồi đắp niềm tin, lòng tự hào của các em học sinh về truyền thống văn hóa của Thủ đô để thế hệ trẻ có thể tự tin bước ra thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Ưu tiên các nội dung triển khai Luật Thủ đô và liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư

Ưu tiên các nội dung triển khai Luật Thủ đô và liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư

(PNTĐ) - Chiều 24/10, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19) và kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (kỳ họp thứ 20) của HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Hà Nội thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công

Hà Nội thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công

(PNTĐ) - Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là cơ quan hành chính (ngang sở) thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.Ngày 4/10/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

(PNTĐ) - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.