Về nơi có "Đường Bác Hồ" nghe chuyện học làm theo gương Bác

Chia sẻ

53 năm trôi qua nhưng lớp người cao tuổi ở Hồng Dương (huyện Thanh Oai) vẫn nhớ như in ngày Bác Hồ về thăm (10/2/1967). Lời Bác dặn từ nửa thế kỷ qua vẫn như ánh mặt trời soi rọi Hồng Dương, tiếp sức cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng tươi sáng.

Ông Nguyễn Khắc Quang (giữa) cho biết, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi nói chuyện với nhân dân và nay là nhà lưu niệm Bác HồÔng Nguyễn Khắc Quang (giữa) cho biết, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi nói chuyện với nhân dân và nay là nhà lưu niệm Bác Hồ

Tự hào nơi in dấu chân Người

Thấm thoắt đã hơn 50 năm, giờ đây ở tuổi “xưa nay hiếm” (80 tuổi đời và 58 năm tuổi Đảng), ông Nguyễn Khắc Quang ở thôn Tảo Dương (xã Hồng Dương) dẫn chúng tôi trên con đường bê tông sạch sẽ tới Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ông Quang xúc động nhớ lại: Ngày đó, Bác đã đi trên con đường này, vào thăm nhà ông Nguyễn Đình Cư; thăm hỏi cụ Trần Bá Tuyến (90 tuổi) và thăm các cháu ở nhà trẻ của Nhà máy cao su Sao vàng về đây sơ tán ở nhà ông Trần Ngọc Mang… Đến nay, con đường này được xây dựng khang trang và mang tên “Đường Bác Hồ” để thế hệ sau mãi tự hào về con đường từng in dấu chân Bác.

Ngày Bác về là sáng mùng Hai Tết, tiết trời lạnh giá, bà con trong làng không ai biết trước nên đều ra ruộng làm việc như thường ngày. Khi hay tin Bác về, bà con ùa về đình, sân kho đón Bác, ai cũng hồ hởi xúc động vô cùng. Bà Trần Thị Cán là cháu nội cụ Trần Bá Tuyến - người được Bác bắt tay thăm hỏi kể: “Hồi ấy, tôi 15 tuổi, đang trồng khoai lang, nghe tin Bác về là nhanh chóng cùng mọi người vào sân kho để được gặp Bác. Tôi còn nhớ như in hình ảnh Bác ân cần thăm già, hỏi trẻ, chúng tôi vây quanh Bác mà hân hoan, xúc động lắm”.

Cũng mang ký ức đẹp cùng niềm vinh dự được gặp Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Liểu, khi đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tảo Dương, nay bà 77 tuổi đã có 54 năm tuổi Đảng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. “Năm đó năng suất lúa của HTX Nông nghiệp Tảo Dương (xã Hồng Dương) rất cao, đạt 4,59 tấn/ha nên vinh dự được đón Bác về thăm, chúc Tết. Cùng đi với Bác có các đồng chí Trần Quốc Hoàn (Ủy viên Bộ Chính trị), đồng chí Tố Hữu (Bí thư Trung ương Đảng)” - bà Liểu kể lại rành rọt như Bác mới về Hồng Dương hôm qua…

Bà Liểu cho hay, ngày hôm đó, Bác có hai cuộc nói chuyện, thứ nhất là ở trong đình làng với các đồng chí là cán bộ tỉnh Hà Tây, huyện Thanh Oai, các xã trong huyện và xã Hồng Dương. Sau đó, Bác ra sân kho ngồi nói chuyện với đông đảo nhân dân. Bác đã khen ngợi Hợp tác xã và nhân dân Hồng Dương đã có tiến bộ nhiều mặt, rồi Bác nhắc nhở về những việc làm chưa tốt.

Chi tiết mà cả ông Quang và bà Liểu đều nhớ mãi liên quan đến khẩu hiệu của xã treo “Quyết cấy xong mới yên lòng ăn Tết”. Bác nói: “Các chú đề khẩu hiệu rất hay, cấy chưa xong chưa yên lòng ăn Tết, Tết hết rồi mà cấy vẫn chưa xong”. Bà Liểu cười giải thích, năm đó vì trời rét quá mà chúng tôi chưa hoàn thành việc cấy vụ chiêm trước Tết nên Bác phê bình đấy. Bác nhắc nhở, vụ chiêm phải cấy xong trước Tết, nhưng còn 27ha nữa chưa xong; chăn nuôi còn kém, trồng và chăm sóc cây chưa tốt.

Người còn căn dặn: “Trung ương phái tổ công tác và Tỉnh ủy phái cán bộ về giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã cho tốt hơn nữa, cho giàu hơn nữa. Từ khi có cán bộ trên về giúp thì đồng bào có tiến bộ. Thí dụ, vụ mùa vừa rồi, thu hoạch lúa có hơn vụ mùa năm ngoái gấp đôi, có phải không?”. Mọi người khi đó đều đồng thanh: “Có ạ”.

Bác khen ngợi xã Hồng Dương trong công tác phát triển đoàn viên, đảng viên. Bà Nguyễn Thị Liểu còn ghi sâu lời Bác căn dặn: “Đảng viên, cán bộ, đoàn viên, dù là chủ nhiệm đều phải là đầy tớ của đồng bào và phải làm đầy tớ tốt, phải gương mẫu sản xuất và chiến đấu”. Còn đối với xã viên, Bác ân cần: “Xã viên cũng phải biết mình là người chủ, phải chăm lo làm ăn cày cấy cho tốt, chăm lo công tác của hợp tác xã”.

Khi nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện và các xã, Bác cũng chỉ rõ: Mỗi cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm “đầy tớ” cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải làm đầu tàu gương mẫu. Điều quan trọng nhất là từ tỉnh đến huyện, xã phải đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng. Làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình. Phải bài trừ tệ nạn quan liêu, lãng phí, tham ô.

Đối với nhân dân Hồng Dương, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giản dị, gần gũi… Ngồi bên bà con tại gốc cây mít sân kho (nay là Khu nhà lưu niệm Bác Hồ), Bác ân cần nói: Bác khuyên các cháu thiếu nhi phải tích cực chăm sóc cho bò béo sạch. Bác chúc các cụ phụ lão trồng cây gây rừng. Bác chúc toàn thể đồng bào mạnh khỏe, cố gắng làm ăn năm nay tốt hơn năm ngoái.

Làm theo lời Bác dạy

Từng lời nói, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy đã khắc ghi trong tâm trí của ông Nguyễn Khắc Quang, bà Nguyễn Thị Liểu, bà Trần Thị Cán và những người được gặp Bác. Tình cảm, sự kính yêu, lòng biết ơn Bác luôn được truyền tới thế hệ sau.

Theo lời Bác dạy, thầy giáo Nguyễn Khắc Quang đã không ngừng phấn đấu trở thành đảng viên gương mẫu, học tập, nâng cao trình độ từ giáo viên dạy cấp 1, lên dạy cấp 2, dạy cấp 3 và trở thành hiệu phó, hiệu trưởng nhà trường. Sau nghỉ hưu, ông còn tham gia công tác hội, đoàn thể như: Trưởng ban Chăm sóc Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã… cho đến tuổi gần 80, ông mới nghỉ ngơi.

Còn với bà Nguyễn Thị Liểu, ghi sâu lời Bác dạy, bà liên tục cống hiến cho hoạt động đoàn thể, chính quyền từ năm 1973 đến năm 1996, trong đó đã làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương. Sau khi nghỉ hưu bà tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc ở thôn, xã. Đến năm 2019, bà mới nghỉ khi bước vào tuổi 76.

Từng cá nhân như ông Quang, bà Liểu làm theo lời Bác dạy, nỗ lực trong lao động sản xuất và cống hiến sức lực, trí tuệ của mình góp phần xây dựng tập thể, làng quê Hồng Dương ngày thêm đổi mới, giàu đẹp.

Sự kiện Bác về thăm đã tiếp thêm nhiệt tình cách mạng và phát huy tinh thần lao động, sản xuất cần cù, sáng tạo của cán bộ, nhân dân xã Hồng Dương. Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Dương khi đó đã thực hiện ngay những lời Bác dạy bằng việc làm cụ thể là ra nghị quyết, giải pháp thực hiện. Đó là, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ; đưa giống lúa mới vào gieo cấy đại trà, phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha; thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước; phát triển lực lượng dân quân sẵn sàng chiến đấu; phát triển đảng viên mới, xây dựng Chi bộ, Đảng bộ “4 tốt”… Nhờ đó, năm 1968, năng suất lúa ở tất cả các HTX xã đều tăng; riêng HTX Nông nghiệp thôn Tảo Dương và HTX Nông nghiệp thôn Ngọc Đình đã đạt 5 tấn thóc/ha…

Ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương cho biết, từ một vùng quê nghèo, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giờ đây Hồng Dương đã phát triển một số nghề thủ công như mây tre đan, chẻ tăm hương, chế biến thực phẩm giò chả với 7/7 làng được công nhận làng nghề; hơn 90% số hộ dân tham gia làm nghề. Tổng giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 711 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân đạt 10,1%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông nghiệp - thủy sản chiếm 18%, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 56,5%, thương mại - dịch vụ 25,5%; thu nhập bình quân đạt 57,5 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, đường làng ngõ xóm được trải bê tông; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; 7/7 làng và 5 cơ quan đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 35 hộ, chiếm 1,04%. Hồng Dương đã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013 và đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Liểu trở lại câu chuyện được gặp Bác với chi tiết Bác hỏi: “Có cô nào bị chồng đánh không?”, không một ai lên tiếng. Khi vào họp với cán bộ, Bác nhấn mạnh: “Tệ đánh vợ là tệ dã man”. Câu nói đó của Bác đã tác động mạnh đối với nam giới của xã Hồng Dương. “Kể từ sau ngày Bác về thăm, tệ đánh vợ ở Hồng Dương giảm dần và đến nay, hầu như có không tệ này. Không còn tệ đánh vợ nên các ông chồng cũng lao động sản xuất tốt hơn, các gia đình ấm no hạnh phúc hơn” - bà Liểu cười vui khi kể lại chi tiết này.

Rời Hồng Dương - miền quê không chỉ có cái tên rất đẹp và từng in dấu chân Người mà còn hiện rõ sự văn minh, sạch sẽ trên từng con đường, dãy nhà cao tầng khang trang. Đặc biệt trong tư duy hiện đại của mỗi người dân nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, ngoài sự cần cù, sáng tạo, nỗ lực không ngừng của xã nông thôn mới, họ còn mang hành trang là niềm tự hào được Bác về thăm và khuyên nhủ. Những thành tựu của Hồng Dương là sự tri ân, báo công với Bác bởi tình cảm ấm áp của Người đã, đang và tiếp tục là động lực để Hồng Dương phấn đấu tươi đẹp hơn dưới ánh sáng của Đảng, trong thấm đẫm tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Vân Nga

Tin cùng chuyên mục

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

(PNTĐ) - Hai cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán là VIC của Tập đoàn VinGroup và VCB của Ngân hàng Vietcombank tăng điểm giúp VN-Index giữ sắc xanh trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4...
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

(PNTĐ) - Theo công văn của Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.