Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

NAM LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng khẳng định, Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, khai sinh ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác. Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa Luật hiện hành, vừa tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác. Nó là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND Thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm:

Thứ nhất, là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.

Thứ hai, là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Thứ ba, Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.

Thứ tư, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Thứ năm, là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.

 Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - ảnh 1
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Ảnh: PV

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định trách nhiệm của Thủ đô là “đi đầu trong cả nước về xây dựng chính quyền, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, việc xây dựng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.

Một số điểm mới tại dự thảo Luật như: Cho phép tách, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với các dự án nhóm B, nhóm C; cho phép Hà Nội được thực hiện các hình thức đầu tư khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa quy định. Phân quyền mạnh cho Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân trong tổ chức bộ máy, đầu tư…

 Để thu hút đầu tư xã hội, dự thảo Luật quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành. Thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Về liên kết, phát triển vùng Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho Thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện; phải nhận thức rõ, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ…

 Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV
 

Tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ đề xuất cho TP Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về chế độ đãi ngộ nhân tài và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... Trong đó, Chính phủ đề xuất cho Hà Nội được quản lý cán bộ thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Đồng thời cũng quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập…

Trên tinh thần đồng thuận cao với dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi,  PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ một số giải pháp chủ yếu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Theo PGS, tính “vượt trội” của cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô thể hiện tập trung ở cách phân quyền và ủy quyền cho chính quyền Thành phố thực hiện những quyết sách phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự trị an.

Để thực hiện quyền được giao một cách hiệu quả, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô cần tiếp tục quy định những nội dung “mở” hơn, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng, đó là chủ động về nhân lực. Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học và cư trú của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đông đảo. Vì vậy, cơ hội cho việc phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Dự thảo Luật Thủ đô đã trình bày khá chi tiết những quy định cho phép Hà Nội chủ động việc thu hút nhân tài và tổ chức bộ máy có nhiều điểm mới, đặc thù và nếu được thông qua, có thể phát huy tác dụng tốt, cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình; trao quyền lớn và chủ động cần đi đôi với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Đây là nội dung về cơ bản chưa được dự thảo Luật đề cập đến thỏa đáng. Có lẽ cần nghiên cứu bổ sung để bảo đảm vừa phát huy tốt sự chủ động sáng tạo, vừa dễ thực thi và được giám sát tốt về phía công chúng.

Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp lại mô hình tổ chức, việc hình thành mô hình Thành phố trong Thủ đô có thể tạo ra bước đột phá, song cần được nghiên cứu thấu đáo về bộ máy và cách thức vận hành để đem lại hiệu quả cao nhất.

Luật Thủ đô là loại văn bản áp dụng cho một địa bàn cụ thể, vì vậy nên được thiết kế để sao cho khi thực thi, về cơ bản không phải “hỏi” mà không sợ sai. Các nội dung ghi trong dự thảo Luật Thủ đô đã cho thấy tinh thần cố gắng chi tiết các quyền thực thi của cấp địa phương (Hà Nội), về các nội dung liên quan đã đáp ứng tốt yêu cầu này.

PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, để cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc huy động các cơ quan chuyên môn, các nhà làm chính sách, rất cần sự đồng thuận xã hội, trước hết là ý kiến của các nhà khoa học, những cộng đồng trực tiếp chịu tác động của chính sách, trong đó đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, những kinh nghiệm tốt về trao quyền, ủy quyền, các lĩnh vực, cách thức vận hành và trách nhiệm giải trình của nhiều Thủ đô trên thế giới cần được tham khảo và chọn lọc để bảo đảm thực sự có tính đột phá, tạo ra khả năng “huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô”, hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định.

 Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - ảnh 3
Nội thành Hà Nội nhìn từ phía huyện Đông Anh. Ảnh: Lê Hiếu

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh

Hiện nay, Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn để cụ thể Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 15-NQ/TƯ được Bộ Chính trị ban hành với tư duy rất mới đã đánh giá, nhìn nhận, giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác, nhiều đại biểu nêu ý kiến về cạnh tranh quốc tế. Trong mục tiêu của Nghị quyết 15 cũng nêu là phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội phải trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã từng khẳng định, nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị…).

Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hóa, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số), các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị).

Dự thảo đồng thời nghiên cứu hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại - kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội phát triển, văn hóa đặc sắc, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ, Hà Nội đã là Thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 15/12/2000, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010 xác định Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Trên cơ sở đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà lưu ý: Hà Nội cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới. Về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng: Tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng và kiến trúc, văn hóa...

Quy hoạch Thủ đô: Yếu tố văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng

TS Nguyễn Viết Chức - Viện Văn hóa Thăng Long cho rằng, với quy hoạch Hà Nội nhìn từ Thủ đô ngàn năm văn hiến thì yếu tố văn hóa lại càng có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi “chốn kinh sư muôn đời” chứa đựng trong lòng tài nguyên đồ sộ về vật chất và tinh thần ngàn năm tụ lại. Mỗi mét đất, mỗi tên người có thể phải dùng tới khoa học liên ngành để giải mã mới có thể thấu hiểu được. Văn hóa phải “vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” chứ không thể là vật cản phát triển kinh tế - xã hội dẫu do chủ quan hay khách quan.

Hà Nội là một địa phương nhưng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nên yếu tố văn hóa phải được đặt đúng vị trí hàng đầu và đi đầu. Quy hoạch phải thể hiện rõ: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị và hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt, trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ quan trọng của cả nước, là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: Yếu tố văn hóa trong quy hoạch Hà Nội không dừng lại ở việc chỉ quan tâm đến mạng lưới văn hóa cơ sở mà phải hướng tới những giá trị văn hóa cao hơn, đại diện cho Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế. Trước hết, quan tâm xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại, thích ứng với yêu cầu thời đại, với giai đoạn phát triển mới của thế giới và vị thế của Việt Nam hôm nay. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển ngành văn hóa. Phải bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, tuân thủ, liên tục, kế thừa… như trong Luật Quy hoạch đã ghi rõ. Tránh tùy tiện, dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch làm phá vỡ quy hoạch đã được tính toán công phu khi xây dựng.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ việc cải tạo các công trình kiến trúc cũ, nhà biệt thự trong nội đô; chấm dứt việc xây nhà cao tầng ở khu vực này nhằm giữ không gian văn hóa đặc trưng khu phố cũ, đồng thời góp phần giải quyết nạn tắc đường đang gây khó khăn cho mọi hoạt động và chất lượng sống của toàn xã hội. Hà Nội cần sớm triển khai các dự án hai bờ sông Hồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng trời phú cho Hà Nội - “chốn kinh sư muôn đời” - tài sản vô giá về kinh tế và văn hóa; đưa Hồng Hà trở thành con sông hiền hòa giữa lòng Hà Nội, đưa bãi giữa sông Hồng trở thành viên ngọc của Thủ đô. Những vấn đề này không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là tầm nhìn, tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong giai đoạn bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ bản lề cho khát vọng ngàn năm của dân tộc - trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045…

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, để từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.

 Quy hoạch vùng Thủ đô đang được TP Hà Nội chủ động triển khai nhiều dự án mang vị thế của “Thành phố nhạc trưởng”. Song song đó, cần xây dựng một mô hình quản lý phát triển vùng có tính đặc thù để không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo dựng vị thế, gìn giữ bản sắc đô thị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Trong hai ngày diễn ra lễ Quốc tang, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng kín các con đường hướng về Nhà văn hoá thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội và Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Nhân Tông. Trong dòng người đó, có những người bạn học cũ từ thời niên thiếu, bạn đại học của Tổng Bí thư. Họ đều tuổi đã cao, mắt mờ, chân run, tóc bạc hoa râm, vẫn lặng lẽ tiễn đưa người bạn lớn…
Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã thành kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.