Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam:

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới

THU HÀ (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về công tác bình đẳng giới và được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhân dịp đầu xuân mới, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam về những thành tựu, thách thức mà Việt Nam đã đạt được và phải đối diện trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 1
 Bà Elisa Fernandez Saenz (thứ ba từ trái sang) trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

Đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy và trao quyền cho phụ nữ 
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bà đánh giá như thế nào về những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Cụ thể, Việt Nam đã phát triển khung pháp lý và thể chế vững chắc về bình đẳng giới, thực hiện nhiều hiệp định và thỏa thuận quốc tế phù hợp với Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Luật pháp được sửa đổi nhằm thúc đẩy và đảm bảo quyền của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, và đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. 

Bên cạnh đó, những thành tựu khác của Việt Nam có thể kể đến như việc đạt được bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của hai giới ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Về y tế, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm đáng kể, từ 233/100.000 ca sinh sống vào năm 1990 xuống còn 58.3/100.000 ca vào năm 2016. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của rất nhiều phụ nữ Việt Nam.

Một điểm sáng khác là sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Ngày nay, chúng ta có 79% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình của khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt trong ngành giáo dục và y tế đang tăng lên. Đây là minh chứng cho vai trò của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam ở mọi cấp độ.

Trong 25 năm qua, tôi nghĩ Việt Nam đã có rất nhiều bài học, kinh nghiệm và chúng ta nên tận dụng chúng để phát triển hướng tới tương lai...”.
Bà Elisa Fernandez Saenz

Bộ luật Lao động đã sửa đổi theo đó khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ đã được thu hẹp, tôi tin rằng việc này sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cuối cùng là sự tham gia của phụ nữ trong chính trị cũng rất nổi bật. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam đạt tới 26,7%, cao hơn mức trung bình thế giới. Chúng ta thấy phụ nữ đang nắm các vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước quan trọng như Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Ngày càng nhiều người phụ nữ tài giỏi đang chủ động nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong kinh doanh.

Vì vậy, trong 25 năm vừa qua, tôi nghĩ Việt Nam đã có rất nhiều bài học, kinh nghiệm và chúng ta nên tận dụng chúng để phát triển hướng tới tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đang rất tích cực thực hiện

Về hợp tác trong thực hiện bình đẳng giới, UN Women đã đồng hành với Việt Nam như thế nào trong việc xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thưa bà?

Bà Elisa Fernandez Saenz:  UN Women hỗ trợ Chính phủ thực hiện những cam kết về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao quyền cho phụ nữ, và tiến tới đạt bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 2
 Bà Elisa Fernandez Saenz trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

UN Women tư vấn về mặt kỹ thuật và hỗ trợ Chính phủ thực hiện các chính sách và chương trình thúc đẩy sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định ở mọi cấp bậc; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả bạo lực giới trong gia đình và nơi công cộng; nâng cao quyền về kinh tế cho phụ nữ thông qua khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, các nguồn lực và các cơ hội việc làm bền vững; và tư vấn lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp quốc gia.

Ngoài ra, UN Women cũng thực hiện các chiến dịch, hoạt động truyền thông nhằm thay đổi những định kiến giới để mọi phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác có thể phát triển hết mọi tiềm năng của mình. 

Nỗ lực hơn nữa để cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công

Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạt động trong lĩnh vực chính trị là một trong những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bà đánh giá như thế nào về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trong những năm qua, Việt Nam đã có những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực chính trị. Có thể thấy điều này qua kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 10/6/2021, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu đạt 30.26% - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI (1976-1981). 

Cần nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội của Việt Nam cao hơn 4.7% so với mức trung bình toàn cầu là 25.5%. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ và trong Quốc hội.

Tuy nhiên, khi nhìn vào các số liệu quan trọng khác, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới trích dẫn trong Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu (2020) gần đây, Việt Nam vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí bộ trưởng chỉ 4%, cũng như tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lập pháp, quan chức cấp cao và quản lý vẫn giữ ở mức 27,3%. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công.

Sự đại diện bình đẳng của phụ nữ và sự tham gia có ý nghĩa vào các vị trí lãnh đạo và quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp, cả trong khu vực công và tư nhân, là điều cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cần nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội của Việt Nam cao hơn 4.7% so với mức trung bình toàn cầu là 25.5%. 
Bà Elisa Fernandez Saenz

Xin bà hãy chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế của việc phụ nữ tham gia chính trường ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Costa Rica?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Sự tham gia chính trị và chia sẻ quyền lực cân bằng giữa phụ nữ và nam giới trong quá trình ra quyết định là mục tiêu đã được cộng đồng quốc tế thống nhất đặt ra trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.

Trên toàn thế giới, dữ liệu cho thấy sự thiếu hụt đại diện là phụ nữ đang diễn ra ở tất cả các cấp ra quyết định và việc đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị dường như còn xa vời. Có thể kể đến như:

• Trong số 195 quốc gia, chỉ có 22 quốc gia có phụ nữ giữ vai trò là Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ và 119 quốc gia chưa từng có lãnh đạo là nữ. Với tốc độ hiện tại, bình đẳng giới ở các vị trí quyền lực cao nhất dường như sẽ không đạt được trong vòng 130 năm nữa.

• Tính đến tháng 10 năm 2020, chỉ có 25% tổng số đại biểu quốc hội là phụ nữ, tăng so với 11% vào năm 1995.

Chỉ có bốn quốc gia bao gồm Rwanda, Cuba, Bolivia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có từ 50% phụ nữ trở lên trong nghị viện đơn lẻ hoặc hạ viện. Hơn 19 quốc gia khác đã đạt hoặc vượt qua 40%, bao gồm chín quốc gia ở châu Âu, năm quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, bốn quốc gia ở châu Phi và một quốc gia ở Thái Bình Dương.

Ở Mỹ Latinh, quê hương của tôi, Costa Rica là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã thông qua luật thiết lập bình đẳng giới và bố trí thay thế bắt buộc, có hiệu lực từ năm 2014. Do đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị và các vị trí ra quyết định có tỷ lệ rất cao. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020, số liệu cho thấy phụ nữ giữ các vị trí bộ trưởng ở Costa Rica là 51,9%; phụ nữ giữ chức vụ lập pháp, cán bộ cấp cao và quản lý là 33,9%; và phụ nữ trong quốc hội là 45,6%.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 3
 Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam trong trang phục Áo Dài của  NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Yêu thích và ấn tượng với áo dài Việt Nam
Bà đã có thời gian làm việc và sinh sống tại Việt Nam, bà có cảm nghĩ thế nào đối với văn hóa Tết Việt Nam? Đặc biệt, bà có ấn tượng gì với trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Sau 5 năm làm việc và sinh sống tại Việt Nam, điều tôi ấn tượng đối với văn hóa Tết truyền thống của Việt Nam là sự đoàn tụ, quây quần ấm áp bên gia đình, người thân. Trong ngày Tết, có nhiều phong tục truyền thống độc đáo được duy trì như gói bánh chưng, nấu các món ăn truyền thống, đi lễ chùa cầu an trong ngày đầu năm mới…

Bên cạnh sự ấn tượng về những nét văn hóa, phong tục Tết đầm ấm của đất nước và con người Việt Nam, tôi còn có niềm yêu thích đặc biệt đối với tà áo dài Việt Nam. Tôi có một bộ sưu tập gồm 20 bộ áo dài với màu sắc và thiết kế đa dạng.Tôi nghĩ áo dài là một trang phục tuyệt đẹp. Tôi cảm nhận áo dài giống như một tác phẩm nghệ thuật bởi các thiết kế đa dạng. Áo dài còn tôn vinh truyền thống, văn hóa, lịch sử của Việt Nam, đồng thời trường tồn và phát triển theo thời gian với nhiều biến đổi của tà áo dài. Đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế trẻ.

Khi mặc áo dài tôi thấy mình đẹp và tự tin. Tôi nghĩ áo dài rất phù hợp với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và hình thể, cũng như nam giới, và nó cực kỳ thoải mái.

Đối với tôi mặc áo dài là thể hiện sự tôn trọng với đất nước và con người Việt Nam đã đón nhận tôi rất nồng nhiệt và thân thiện. Tôi rất vinh dự khi được làm việc để phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam được tỏa sáng, rực rỡ như tà áo văn hóa Việt.

Trân trọng cảm ơn bà!  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.