Bảo đảm đủ nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân và giữ bình ổn giá trong dịp lễ, Tết
(PNTĐ) - Chiều 1/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về kế hoạch phục vụ các hoạt động của thành phố dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Báo cáo do Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Đỗ Thị Lan Hương trình bày tại hội nghị cho thấy, Thành phố sẽ tổ chức các hoạt động thường niên như: Thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, lão thành cách mạng trên địa bàn TP; gặp mặt các văn nghệ sĩ, trí thức; gặp mặt nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; gặp mặt các Đại sứ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Thành phố sẽ chủ động trong công tác chăm lo các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, khu vực còn có khó khăn; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thành phố cũng sẽ phát huy cao nhất trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực như tuyên truyền hoạt động văn hóa, thể thao, quản lý lễ hội; chăm lo chế độ chính sách, bảo đảm cơ sở vật chất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… nhằm phục vụ tốt các hoạt động Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thảo luận về kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố sẽ tiếp tục chăm lo đối tượng người có công và đối tượng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 25 của HĐND thành phố với 38.824 đối tượng. Nguồn tài chính chi từ ngân sách tăng khoảng gần 19 tỷ đồng, ngoài ra sẽ huy động một số lượng lớn nguồn xã hội hóa. Tổng kinh phí để chăm lo cho các đối tượng chính sách năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch Tết chăm lo cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội với hơn 6.000 đối tượng, trong đó, dự kiến chi tiền ăn Tết trong 3 ngày 500.000 đồng/ngày/người…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Quang Thanh cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Lao động thành phố dự kiến tổ chức một số chương trình theo thông lệ hằng năm, như: “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng” và năm nay có thêm chương trình “Chợ tết online”. Dự kiến, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ trao khoảng 10.000 suất quà cho 10.000 công nhân, mỗi suất 500.000 đồng với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là các hoạt động của thành phố trong dịp Tết.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắp của nhân dân trong dịp Tết. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường, bảo đảm nguồn điện sử dụng trước, trong và sau Tết.
Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định không lo thiếu hàng Tết, vấn đề quan trọng là đẩy mạnh tiêu dùng, kích cầu mua sắm. Đáng chú ý, Sở Công Thương cũng kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước để đưa sản phẩm tốt nhất về phục vụ nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết và tổ chức 60-70 điểm chợ hoa xuân như thông lệ hằng năm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao việc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị Tết với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao.
Liên quan đến việc chăm lo cho đối tượng chính sách, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan cân đối nguồn tài chính để thực hiện theo đúng kế hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhất trí với kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động của Liên đoàn Lao động thành phố với việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho công nhân, người lao động như: Tết sum vầy, tặng quà hỗ trợ và vé xe cho công nhân ở xa về quê ăn Tết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô và Công an thành phố chủ động xây dựng phương án phối hợp hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân Thủ đô trong cả hai dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán…
Nhấn mạnh việc bảo đảm đủ nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân và giữ bình ổn giá trong dịp lễ, Tết cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Sở Công Thương chủ trì, báo cáo thành phố để nhân dân có đủ nguồn hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp cũng dự trữ đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân.
Nhấn mạnh thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, song khối lượng công việc mà các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải chuẩn bị rất lớn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, ngay sau khi thành phố xây dựng và ban hành chỉ thị về kế hoạch chuẩn bị Tết, các sở, ngành, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Mục tiêu hướng tới là tổ chức cho nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, mọi gia đình đều được đón Tết Giáp Thìn 2024 vui tươi, an lành, hạnh phúc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan để tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào xuân mới. Đảm bảo bình ổn giá và hàng hóa phục vụ nhu cầu yếu của người dân Thủ đô. Đồng thời, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, để người dân đón Tết an toàn, vui tươi, nhà nhà đều có Tết…