Chính phủ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông

ĐỨC HẠNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Chính phủ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông - ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày báo cáo

Công tác bình đẳng giới được chú trọng

Những tháng cuối năm 2021, tình hình kinh tế xã hội (KTXH) phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021. 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid - 19 và phục hồi, phát triển KTXH.

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kinh tế trong nước mở ra trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển KTXH.

Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,1%, Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng,tăng 8,9%. 4 tháng đầu năm 2022 có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. 

Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ. 

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại, tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương.

Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng.

Nỗ lực tạo đà phục hồi kinh tế

Chính phủ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông - ảnh 2
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn và thách thức.

Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Thu ngân sách Nhà nước tăng 15,4% so với cùng kỳ, song thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn… 

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% là thách thức rất lớn.

Vì vậy, Chính phủ quyết tâm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển KTXH bền vững; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh tăng thu ngân sách Nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng. 

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Chú trọng thực hiện các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Lễ phát động tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.