Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Nhà báo nữ Việt Nam ví như những bông lau làm bằng thép!"
(PNTĐ) - Những nhà báo nữ Việt Nam phải có tinh thần của phụ nữ Việt Nam; là những bông hoa lau làm bằng thép, vừa mềm mại vừa kiên cường; Câu lạc bộ Nhà báo nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, trở thành một tổ chức bài bản với nhiều hoạt động hiệu quả, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc… Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt đoàn Đại biểu nữ nhà báo tiêu biểu vào sáng ngày 17/4/2023, tại Nhà Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam.
Tham dự buổi gặp mặt Đoàn nhà báo nữ tiêu biểu còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm... cùng sự có mặt của 44 nhà báo nữ tiêu biểu đại diện cho các Câu lạc bộ nhà báo nữ trên cả nước.

Dấu ấn 20 năm phát triển
Tại buổi gặp mặt, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo nữ Việt Nam, Nhà báo, Tiến sĩ Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho biết, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam thành lập ngày 21/6/2002, theo quyết định số 115/TV-HNB ngày 16 tháng 6 năm 2002, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. CLB Nhà báo nữ Việt Nam hoạt động rộng khắp trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chức năng, nhiệm vụ của CLB là nơi tập hợp các nhà báo nữ để thông tin, trao đổi nghiệp vụ và thực hiện các hoạt động khác. Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay, CLB Nhà báo nữ Việt Nam đã hoạt động khắp trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ bao gồm 1 Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch.
Nhìn lại hành trình hai thập kỷ qua, CLB Nhà báo nữ Việt Nam ghi dấu ấn trên 4 mặt hoạt động: Phát triển tổ chức bộ máy, hội viên; Hoạt động nghiệp vụ; Hoạt động xã hội từ thiện và Lan tỏa hoạt động của mình.
Phát triển tổ chức bộ máy, hội viên: ban đầu thành lập chỉ khoảng 100 hội viên ở các báo trung ương, đến nay đã phát triển có 49 CLB thành viên ở các địa phương.
Hoạt động nghiệp vụ: Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ luôn chú trọng trước hết đến việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho chị em phóng viên – biên tập viên. Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa: Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giao lưu về nhà báo nữ với nghề và với trách nhiệm xã hội; tổ chức những chuyến đi thực tế tới các vùng đất của Tổ quốc, đặc biệt là đến các vùng biên giới, hải đảo, các vùng đặc biệt khó khăn; Tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thời trang, ca nhạc, cắm hoa nghệ thuật… mang đặc thù giới.
Nhiều tác phẩm báo chí của các chị từ các chuyến đi do Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức đã đoạt các giải cao trong các Giải báo chí của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang và Giải báo chí Quốc gia. Các Câu lạc bộ thành viên có nhiều sáng kiến trong hoạt động, tạo nên bản sắc riêng của địa phương mình.

Theo nhà báo Phạm Thị Mỵ: Một hoạt động rất có ý nghĩa song song với các hoạt động nghiệp vụ của CLB Nhà báo nữ Việt Nam cũng như các CLB Nhà báo địa phương là hoạt động thiện nguyện. Từ những chuyến đi cho hoạt động nghề nghiệp của mình, các phóng viên đã cung cấp những địa chỉ để CLB làm công tác thiện nguyện với phương châm “đến tận nơi trao tận tay”. CLB Nhà báo nữ Việt Nam thành lập một đoàn thiện nguyện riêng thu hút các thành viên cả trong và ngoài giới. Cũng chính trong hoạt động này, sự đồng hành của CLB Nhà báo nữ Việt Nam với các tổ chức doanh nghiệp và các nhà hảo tâm thật sự hiệu quả, thiết thực.
Một thế mạnh của CLB NBN Việt Nam đó là khả năng tự lan tỏa hoạt động của mình. Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cũng là Câu lạc bộ nghiệp vụ có website và xuất bản được nhiều kỳ đặc san Bút nữ. Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã được Hội Nữ trí thức Việt Nam công nhận là một Chi hội thành viên. Chi hội Nữ trí thức Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cũng đã chủ động tham mưu với Hội Nữ trí thức Việt Nam, làm đề án xuất bản và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản tạp chí Phụ nữ Mới (cả báo giấy và báo điện tử) – cơ quan ngôn luận của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, nhà báo Nguyễn Hồng Chiến, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ tỉnh Vĩnh Phúc và nhà báo Trần Thị Kiều Hoanh, nguyên chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng phòng Thư ký biên tập chương trình Đài PT-TH Quảng Ngãi đã có những chia sẻ về hoạt động của các CLB Nhà báo nữ địa phương cũng như các cống hiến của các nữ nhà báo trong quá trình hoạt động làm nghề.
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Chiến, mỗi người làm báo nói chung và các nhà báo nữ nói riêng, với quan điểm, lập trường và sự tâm huyết của mình, tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng những tác phẩm mang lại hiệu ứng xã hội tích cực và khẳng định được vai trò của người cầm bút trong “cuộc chiến không khoan nhượng” chống tiêu cực, chống hành vi sai trái, nhằm góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Chia sẻ về hoạt động của CLB Nhà báo nữ Vĩnh Phúc trong những năm qua, nhà báo Nguyễn Hồng Chiến cho biết: Dẫu còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, chưa thật khoa học trong cách thức tổ chức các hoạt động và cũng phải thừa nhận một thực tế: Chưa có đủ điều kiện về vật chất, kinh phí để có được những hoạt động để lại dấu ấn, song, những gì câu lạc bộ Nhà báo nữ Vĩnh Phúc đã và đang làm cũng đã thể hiện sự đầu tư tâm huyết, trí tuệ và sự cố gắng của mỗi thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB cũng như toàn thể hội viên; sự quan tâm, tạo điều kiện và sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Hội nhà báo tỉnh và lãnh đạo cơ quan báo chí tỉnh; sự sâu sát của CLB Nhà báo nữ Việt Nam.

Còn nhà báo Trần Thị Kiều Hoanh thì cho rằng, làm thế nào để cân bằng giữa công việc làm báo và đảm nhận thiên chức làm vợ là cả một thử thách đối với các nữ nhà báo. Thế nhưng vượt lên tất cả đó là lòng đam mê, trách nhiệm với nghề và luôn nhận được sự sẻ chia, động viên của gia đình, khán, thính giả, độc giả, của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp để chúng tôi tiếp tục theo đuổi nghề và giữ mình trước cám dỗ đời thường.
Theo nhà báo Kiều Hoanh, một trong những bước phát triển của CLB Nhà báo nữ và của các nhà báo nữ chính là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Lấy ví dụ từ Quảng Ngãi, CLB Nhà báo nữ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và truyền thông, của Hội Nhà báo tỉnh đến Lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và sự đồng hành của các doanh nghiệp. Từ nhiệm kỳ 2016-2021, trong kỳ bầu cử Đại biểu HĐND tỉnh đã phân bổ cho Hội Nhà báo một ứng cử viên là nữ trong BCH Hội nhà báo tỉnh.
"Bản thân tôi đã được sự quan tâm đi ứng cử và đã trúng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Nhiệm kỳ 2021-2026, tôi tiếp tục là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi ( lúc này phân bổ cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) - nhà báo Kiều Hoanh nói.

Nhà báo nữ phải phát huy tinh thần phụ nữ Việt Nam
Tại buổi gặp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng, của dân tộc. Trải qua 98 năm xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Những năm gần đây, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí, đòi hỏi các Nhà báo phải có bản lĩnh và đổi mới trong hoạt động.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả đối với hoạt động của báo chí. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII thông qua cũng ghi nhận Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của đội ngũ nhà báo Việt Nam, trong đó có các nữ nhà báo. Dẫn lại lời nhận xét của Tổng Thư ký Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế trong chuyến đi nghiên cứu phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968, đó là: “Phụ nữ Việt Nam như những cây lau mềm mại, nhưng đó là những cây lau bằng thép”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các nữ nhà báo Việt Nam phải có tinh thần của của phụ nữ Việt Nam; là những bông hoa lau làm bằng thép, vừa mềm mại vừa cứng rắn; hội tụ đủ những phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam và những phẩm chất chung của các nhà báo cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương những kết quả hoạt động của CLB Nhà báo nữ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Việc thành lập CLB nhà báo nữ Việt Nam là chủ trương rất đúng đắn, tạo điều kiện để tập hợp các nhà báo nữ trong cả nước, giúp các nhà báo nữ phát huy được thế mạnh của mình. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, thời gian tới, CLB Nhà báo nữ nên có nghiên cứu tổng kết về cả lý luận và thực tiễn hoạt động để giáo dục truyền thống và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.


Chiều ngày 17/4, Thường trực Hội Nhà báo Việt nam, CLB Nhà báo nữ Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình Gala giao lưu “20 năm – Hành trình ghi lại những dấu chân: Nữ nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tại Chương trình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng bằng khen cho 20 nhà báo nữ tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội.
Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô là 1 trong số 20 nhà báo đã vinh dự được tặng Bằng khen tại chương trình.

Đồng thời, chương trình cũng đã tri ân, tặng kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ, đồng hành cùng CLB nhà báo nữ Việt Nam trong thời gian qua.
20 năm qua là một hành trình ghi lại những dấu chân nhà báo nữ đồng hành cùng doanh nghiệp và là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ đồng hành trong lĩnh vực chuyên môn, các nữ nhà báo còn đồng hành cả trong công việc thiện nguyện, an sinh xã hội.