Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3
(PNTĐ) - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số 1 là nhanh chóng khôi phục giao thông để người dân đi học, đi làm, sinh hoạt trở lại bình thường.
Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão
Sáng 8/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kiểm tra hiện trường việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề. Riêng cây xanh, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 17.000 cây gẫy đổ.
Chủ tịch UBND TP cho biết, đã chỉ đạo và tất cả các Phó Chủ tịch UBND TP theo địa bàn phụ trách đều đã xuống hiện trường để kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
Với những cây xanh gẫy đổ, Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Cùng đó, ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; khẩn trương khôi phục mạng lưới trung thế để phục vụ việc bơm tiêu, thoát nước…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát địa bàn của mình kèm với việc có giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
Người dân đã được sơ tán về nơi an toàn
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đến 5h sáng 8/9, địa bàn quận có 286 cây gẫy đổ, 22 cây gẫy cành lớn. Về người, có 3 người bị thương nhẹ (vào hồi 15h chiều 6/9 do cành cây si gẫy đổ va quệt tại 11 phố Chả Cá).
Về tài sản, có 2 xe máy bị hư hỏng nhẹ (do cây si ở số 11 Chả cá đổ vào 15h chiều 6/9); 2 tủ điện bị bẹp; 2m rào sắt hư hỏng (do cây xanh ở số 53 Hàng Bài đổ lúc 14 giờ 50 ngày 7/9); bị tốc 2 mái tôn (14 Nguyễn Siêu - 16h00 ngày 7/9 và 6 Lê Phụng Hiểu - 18h20 ngày 7/9); 3 cột đèn chiếu sáng đổ (29 Hàng Cót – 20h55 ngày 7/9); Đổ 2 cột điện, 1 ô tô con bị cây đổ bẹp nóc (21h57 ngày 7/9).
Quận đã vận động sơ tán 707 người (trong đó 88 người sơ tán về trường học, điểm an toàn và 620 người sơ tán về nhà người thân, quen).
Tính đến 5h00 sáng ngày 8/9/2024, toàn quận đã huy động tổng lực gần 2500 người: 18 đội xung kích cấp phường, tổng số 1969 người; Dân quân cơ động 88 người. Lực lượng Công an quận và 18 phường, BanChỉ huy quân sự quận: 220 cán bộ, chiến sĩ; Lực lượng ban ngành: 110 người; cùng các lực lượng chuyên ngành khác: Cây xanh, Điện, Thoát nước, Chiếu sáng, Vệ sinh môi trường.
Công tác di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm được tập trung kiên quyết thực hiện đảm bảo an toàn. Đã giải tỏa được 2/3 số cây đổ, tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, và giải phóng các trục đường chính đảm bảo giao thông. Các cột đèn chiếu sáng, giao thông đã được khắc phục ngay.
Quận cũng huy động 20 máy phát điện; 30 cưa máy; 3 xe PCCC&CHCN; 2 xe cấp cứu; 2.500 bộ áo mưa, mũ, ủng; 120 vật dụng cầm tay: cưa tay, dao, búa, khoan…
Đảng ủy, UBND 18 phường đã chủ động nghiêm túc chỉ đạo của Quận ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận: tập trung toàn lực triển khai công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”. Các lực lượng, đơn vị chuyên ngành: Ban Chỉ huy Quân sự quận; Công an quận; Cây xanh, Điện lực, Thoát nước, Chiếu sáng, Môi trường… đã bố trí lực lượng ứng trực, phối hợp, xử lý ngay các sự cố đảm bảo an toàn.