97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022):

Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí

NGUYỄN NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chuyển đổi số tạo ra sức mạnh về truyền thông, nâng cao nhận thức về sự phụ thuộc của báo chí vào các nền tảng xuyên biên giới, sự cần thiết phải thay đổi, tái thiết quyền làm chủ luật chơi, tạo sự đồng thuận cho chuyển đổi báo chí. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí theo xu hướng phát triển doanh thu từ bạn đọc bằng cá nhân hóa nội dung, với các nội dung báo chí có thu phí trả tiền. Từ đó, báo chí có cơ hội tạo ra mô hình kinh tế báo chí mới.

 Xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số

Với tầm nhìn, chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, lần đầu tiên các khái niệm "chuyển đổi số", "kinh tế số" được nhắc đến trong văn kiện đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đối số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội hố".

Việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia đang trở thành xu hướng chính sách hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí - ảnh 1
Khi chuyển đổi số, phóng viên, nhà báo sẽ tác nghiệp theo phương thức đa phương tiện. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh hoặc máy quay là phóng viên có thể tác nghiệp để hoàn thành trọn vẹn một bản tin hoặc bài từ ghi hình, chụp ảnh, ghi âm, soạn thảo văn bản đến dựng phim và gửi về tòa soạn, chia sẻ trên mạng xã hội - ảnh minh họa

 

Bàn về vấn đề chuyển đổi số báo chí Việt Nam, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 11/6/2022, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông PGS,TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh: Trong công cuộc chuyển đổi số, báo đóng vai trò quan trọng. Với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo động lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, cũng chịu tác động của quá trình chuyển đổi số nên sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung. Báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham dự đều thừa nhận xu thế tất yếu của báo chí chuyển đổi số. Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, và trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và có thể tăng doanh thu. Bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới.

Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý. Đề cập đến vấn đề đầu tư hạ tầng khi chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, so với việc tự đầu tư hạ tầng thì các cơ quan báo chí Việt Nam có thể chọn một phương án thực dụng hơn, đó là sử dụng hạ tầng của bên thứ ba. Tuy nhiên phải kiểm soát được các vấn đề như: Dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên nội dung số của các cơ quan báo chí…

Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí - ảnh 2
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm (người đứng) cho rằng trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số - ảnh: int

Chiến lược chuyển đổi số báo chí và những kỳ vọng

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu Chiến lược đến năm 2025 là: Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thôn tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả; người dân, tổ chức doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa doanh thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng xuất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý. Nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ bản quyền báo chí, đảm bảo công bằng quyền lợi của các cơ quan báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới…

Theo TS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Để trả lời cùng một lúc cho rất nhiều bài toán khó như: Cần làm gì để phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ một cách tối ưu nhất? Cần có cơ chế mới nào để báo chí có thêm nguồn lực, giữ vững vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội? Việc phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả có thể được triển khai như thế nào? Phải làm gì để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý? Đồng thời, điểm nghẽn về kinh tế báo chí cần được giải quyết thỏa đáng như thế nào, làm gì để thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý…

Cơ hội thách thức chuyển đổi số báo chí

Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể dứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc doanh thu quảng cáo. Từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Và, báo chí sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ kịp thời chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin và dư luận xã hội.

Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí - ảnh 3
Khi chuyển đổi số, nhà báo sẽ tác nghiệp theo hình thức đa phương tiện - ảnh: minh họa

Bên cạnh cơ hội là những thách thức về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của báo chí. Bởi không phải cơ quan báo chí nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí chưa đủ nguồn lực và vật chất để cấp nhật các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến và mua sắm trang thiết bị, nâng cấp máy móc.

Nguồn nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ đối với báo chí khi chuyển đổi số. Hiện nay, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ, phân tích dữ liệu thông tin của nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được.

Thách thức về năng lực chuyển đổi số trong sản xuất, sáng tạo nội dung báo chí được đánh giá là thử thách cốt lõi của ngành báo chí. Những thay đổi số trong việc sản xuất ra nội dung sản phẩm báo chí có vai trò vô cùng quan trọng. Cùng với đó là những thách thức như đảm bảo nguồn thu cho các cơ quan báo chí, thách thức do sự thay đổi thói quen của người dùng, thói quen tiếp cận thông, hành vi tiếp nhận thông tin….

Theo dự thảo Đề án Chiến lược chuyển đối số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông, khi chuyển đổi số, hoạt động báo chí, thông tin, truyền truyền được củng cố, phát triển từng bức theo bề rộng và bề sâu, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, đồng thời bảo đảm tính định hướng tuyên truyền. Trong hoạt động sản xuất và phân phối, báo chí đang đứng trước cơ hội chuyển đổi số thành công, làm thay đổi cách thức sản xuất nội dung, phát triển nền tảng trong nước để phân phối nội dung. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số báo chí thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới và chuyển đổi cơ cấu doanh thu báo chí, giảm khoảng cách chênh lệch doanh thu từ quảng cáo giữa báo chí trong nước và các nền tảng xuyên biên giới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.