Đại hội MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2019 – 2024: 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn
(PNTĐ) - Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Thủ đô đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đại hội vui mừng, phấn khởi với những thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Kinh tế phát triển, GRDP tăng 6,11% (cao hơn 1,18 lần cả nước), tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán Trung ương giao, thu nhập bình quân đạt 151,1 triệu đồng/người; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo nhiều dấu ấn quan trọng.
Thế và lực của Thành phố ngày càng vững mạnh, hình ảnh, uy tín, sức ảnh hưởng của Thủ đô được nâng cao. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết trong nhân dân được phát huy.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 – 2024, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ 2024 – 2029; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại.
Thứ nhất, có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền và các tổ chức thành viên; sự tham gia, phối hợp của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách, công việc của Mặt trận đều xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, không ngừng mở rộng, thực hành dân chủ, thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở, làm tốt vai trò là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng và chính quyền. Hoạt động của Mặt trận phải thực sự mang tính đoàn kết toàn dân, thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu thực tế và quyền lợi hợp pháp của Nhân dân.
Thứ ba, chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lựa chọn, cụ thể hóa bằng những công việc trọng tâm để thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, nắm tình hình triển khai, thực hiện; mở rộng, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội.
Chương trình phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với chính quyền, các tổ chức thành viên phải cụ thể, thiết thực. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân, công khai, minh bạch, kịp thời, tạo đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin, động viên được nguồn lực to lớn của nhân dân.
Thứ tư, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận các cấp phát động.
Thứ năm, để nâng cao và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, phải xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh, quan điểm lập trường vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng; dám dấn thân vì Nhân dân, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với Nhân dân, được Nhân dân tôn trọng và Nhân dân được nhờ.