Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi”

MỘC MIÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở tuổi 85, bước chân tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng trí tuệ mẫn tiệp và giọng nói hào sảng vẫn khiến đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh không ngưng xúc cảm khi nói đến tình yêu lớn trong cuộc đời mình, như ông tự nhận, là tình yêu ông dành cho Hà Nội. Không phải nơi chôn rau cắt rốn, nhưng với NSND Đặng Nhật Minh, Hà Nội với ông thân thương như ruột thịt.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi” - ảnh 1
 Đạo diễn Đặng Nhật Minh tại LHP Quốc tế Hà Nội 2022. 
Ảnh NVCC

Để đến những năm tháng tuổi cao, sức yếu, vị đạo diễn vẫn đăm đắm với tình yêu ấy và tiếp tục cho ra đời “đứa con tinh thần” về Hà Nội, mảnh đất thương nhớ trong suốt cuộc đời ông.

Mãi mãi đậm sâu một tình yêu Hà Nội 
Tại giải thưởng Bùi Xuân Khán giả năm 2023, người mến mộ NSND Đặng Nhật Minh xúc động chứng kiến hình ảnh vị đạo diễn ở tuổi 85 run run bước lên sân khấu đón nhận một Giải thưởng mà ông cho rằng, nó vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời mình, bởi mang tên “Vì tình yêu Hà Nội!”.

Vị nghệ sĩ già mộc mạc thốt lên: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi!”. Những tình cảm suốt cuộc đời mà đạo diễn Đặng Nhật Minh dành cho Hà Nội đều được gửi gắm vào từng thước phim của ông.

Công chúng yêu mến tên tuổi ông cũng không quên thời điểm ra mắt “Hoa nhài”- bộ phim về Hà Nội và cũng có thể được xem là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh Đặng Nhật Minh hồi tháng 4/2022 tại Hà Nội. Đạo diễn xúc động bày tỏ: “Cảm ơn Hà Nội, người Hà Nội đã truyền cảm hứng cho tôi”. 

Nói như Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, “Hoa nhài” là một tác phẩm điện ảnh xinh xắn, là những lát cắt nhẹ nhàng về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội... 

Có lẽ, với cả cuộc đời gắn bó, với những góc nhìn tinh tế, nhạy cảm và hồn hậu của một người nghệ sĩ tài năng, NSND Đặng Nhật Minh đã làm nên những thước phim đẹp đẽ, dung dị như chính tâm hồn người Hà Nội mà ông đã đưa vào từng khuôn hình. Trong “Hoa nhài”, người xem bắt gặp những mảng lắp ghép từ mảnh đời của một chú bé đánh giầy, một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, hoặc một chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh… 

 Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Thừa Thiên Huế. Ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1993, được vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju 2005. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 và Mùa ổi. Năm 2016, ông được Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2022, ông được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp. Năm 2023, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lớn- Vì Tình yêu Hà Nội.  

Tất cả kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2000. Ở đó, người ta thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình chuyển mình vươn lên và mối quan hệ giữa nó với những vùng lân cận.

Bộ phim được đón nhận nồng nhiệt bởi khán giả Hà Nội và bạn bè quốc tế ngay khi nó ra mắt tại LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) năm 2022.

Và mới đây, “Hoa nhài” tiếp tục được công chúng yêu điện ảnh ở xứ sở ngàn hoa yêu mến khi phim dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII, diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Hơn tất cả, có lẽ những tràng pháo tay kéo dài không dứt khi phim kết thúc chính là hiển thị tình yêu mà công chúng dành cho vị đạo diễn có tâm hồn nhân văn, tinh tế.

Đặng Nhật Minh là đạo diễn có sự nghiệp lừng lẫy hàng đầu của điện ảnh Việt. Nhắc đến ông, khán giả nghĩ ngay đến Bao giờ cho đến tháng Mười (1985), Thương nhớ đồng quê (1995)… Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi ông vươn tầm thế giới. 

Thế nhưng sự nghiệp điện ảnh của Đặng Nhật Minh không chỉ có thế. Ông còn có những tác phẩm quan trọng khác như: Trở về (1994), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009)… và Hoa nhài (2022).

Đó là những bộ phim mà ít hay nhiều, đậm đặc hay phảng phất, chủ đề Hà Nội đều xuất hiện và được Đặng Nhật Minh khai thác ở nhiều chiều kích, từ thời cuộc cho đến con người. Để rồi dấu ấn Hà Nội trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp từ văn chương đến điện ảnh của Đặng Nhật Minh với những tác phẩm đi cùng năm tháng và thực sự Hà Nội. 

“Hà Nội đã cho tôi quá nhiều!”
Người hâm mộ hẳn cũng không xa lạ với cách nói hào sảng, tinh tế và sâu xa của đạo diễn Đặng Nhật Minh mỗi khi nói về phim ảnh. Mỗi lần nói về Hà Nội, người nghe còn cảm nhận được trong chất giọng, trong cách nói của ông rất rõ hơi thở của tình cảm yêu mến, thân thương.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi” - ảnh 2
 Một cảnh trong phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”.
 

Như ông đã giãi bày: “Hà Nội đã cho tôi quá nhiều. Hà Nội thân thương với tôi như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào tôi phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội.

Với Huế, tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi - một người làm điện ảnh cho đến hôm nay”.

Quả vậy, Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành. Nhưng, Đặng Nhật Minh cũng là người tường tận biết bao sự thay đổi của Hà Nội. Cứ thế với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim của Đặng Nhật Minh. Điển hình có thể kể tới chùm 3 phim Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi và Hoa nhài.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi” - ảnh 3
 Diễn viên Minh Hương vào vai liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: NVCC

Đó là Hà Nội của một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong Hà Nội mùa đông năm 46. Một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong Mùa ổi. Đến Hoa nhài là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội bốn phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời. 

Với Đặng Nhật Minh, dù có nhiều tác phẩm điện ảnh sống cùng năm tháng về Hà Nội nhưng bản thân ông lại không có bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. 

Nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều, là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Ông coi đó là một duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội. Người xem dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh. Rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn. 

“Nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều, là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế”, đạo diễn bộc bạch.

Ở chiều sâu, những bộ phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Hoa nhài, cùng với Đừng đốt, Trở về, Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội. Điển hình là Loan trong Trở về, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường.

Hay hình ảnh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong Đừng đốt, một người con gái Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. 

Nếu không yêu Hà Nội, tâm tư và gắn bó máu thịt với mảnh đất hoa nhài thì sao có thể cho ra đời loạt tác phẩm nhiều dấu ấn đến vậy. Chính đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng thừa nhận, làm phim về Hà Nội, cái quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội.

“Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn”- ông nói. 

Và, bởi thế, người Hà Nội luôn tìm thấy chính mình trong các tác phẩm của Đặng Nhật Minh. Hôm nay và cả mai sau.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.