Đề xuất áp dụng thời hiệu kỷ luật 10 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức bị cảnh cáo trở lên

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 4, sáng 21/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất áp dụng thời hiệu kỷ luật 10 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức bị cảnh cáo trở lên - ảnh 1
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn khác nhau. Cùng hình thức khiển trách, thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm, kỷ luật hành chính là 2 năm. Hay như cùng hình thức cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm, còn hành chính là 5 năm. Sự khác nhau ấy dẫn tới thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý do đã hết thời hiệu theo quy định của luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy định số 69 của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

 Trong đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể. Vướng mắc này cũng ảnh hưởng đến chủ trương kỷ luật nghiêm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" của Đảng trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.  Tuy nhiên, quy trình sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định. Sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.

Theo đó, sẽ áp dụng thời hiệu kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc xây dựng Nghị quyết này hướng đế mục tiêu triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất quy định của Đảng với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; giải quyết vướng mắc, bất cập quản lý trong thực tiễn.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cũng nhận thấy quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định mới về kỷ luật của Đảng, dẫn tới một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì hết thời hiệu theo quy định của Luật, do đó, làm giảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm theo pháp luật của Nhà nước.

Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nội dung quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ với quy định về thời hiệu kỷ luật đảng, cụ thể là: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.”.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình đã đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng, qua đó, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất các quy định về nội dung này.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.