Gia Lâm: Sức sống mới từ di sản, tinh hoa làng nghề và du lịch trải nghiệm

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Huyện Gia Lâm với lợi thế gần trung tâm Thủ đô, có mật độ di tích dày đặc đã nổi tiếng như đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng, đền thờ Thái hậu Ỷ Lan, nhiều làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, cùng cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống là lợi thế phát triển du lịch sinh thái… đã trở thành những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tuor du lịch Hà Nội.

Gia Lâm: Sức sống mới từ di sản, tinh hoa làng nghề và du lịch trải nghiệm  - ảnh 1
Lãnh đạo UBND xã Bát Tràng đón tiếp đoàn khách từ tỉnh Bình Định đến thăm Bát Tràng. (ảnh H.K)

Du khách đi tuor đến Gia Lâm trải nghiệm  

Chị Nguyễn Thu Trang ở Cần Thơ theo đoàn du lịch ra Hà Nội. Sau khi được rảo bước trên 36 phố phường Hà Nội cổ, dạo quanh Bờ Hồ, tận hưởng không khí mát rượi của Hồ Tây, vãng cảnh Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày tiếp theo của chuyến đi, chị được về làng nghề Bát Tràng để được ngắm những sản phẩm gốm độc đáo, những hoa văn trạm trổ từ đôi tay người nghệ nhân… Chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Về Bát Tràng được thăm con ngõ nhỏ rủ rêu phong của làng nghề cổ, được tận tay sờ vào đất làm gốm, tôi cảm thấy sự gần gũi, có nét độc đáo, đầy thú vị”.

Trong các thiết kế tuor du lịch Hà Nội thì Bát Tràng thường được đưa vào hành trình nửa ngày, 1 ngày và 2 ngày 1 đêm. Du khách đến với làng nghề Bát Tràng không chỉ tham quan, mua sắm mà nhiều người còn thích thú chụp những bức hình đẹp bên sản phẩm, đặc biệt là trải nghiệm tham gia vào các khâu sản xuất gốm từ tạo hình đến đưa từng nét vẽ trên sản phẩm.

Là người chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề hơn năm thập kỷ qua, ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng nhận thấy đây là giai đoạn phát triển tốt của làng nghề. Nhất là thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến. Từ đó, khiến nhiều người dân bỗng thành các hướng dẫn viên du lịch. Nhiều hộ làm nghề đã học và làm du lịch kiểu mới, mang đến nhiều trải nghiệm phong phú cho du khách.

Đón tiếp những đoàn khách từ khắp nơi trên cả nước đến tham quan, mua sắm, chị Phạm Thị Cẩm Linh, cơ sở sản xuất gốm Cương Duyên cho hay: Năm 2022 lượng khách giảm hơn so với trước khi có dịch Covid-19, song đây cũng là thời gian chúng tôi liên tục sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới và có những đổi mới trong việc quảng bá, thu hút và đón tiếp du khách.

Gia Lâm: Sức sống mới từ di sản, tinh hoa làng nghề và du lịch trải nghiệm  - ảnh 2
Du khách đến Bát Tràng tham quan tại cơ sở Cương Duyên (ảnh C.Linh)

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, địa phương có lợi thế trong việc thu hút nhiều du khách về tham quan không chỉ bởi danh thơm đất nghề gốm cổ truyền mà Bát Tràng còn là mảnh đất giầu văn hóa với 9 di tích lịch sử, văn hóa, 2 di tích cách mạng kháng chiến, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và căn dặn dân làng. Bát Tràng còn giữ được khu làng cổ rộng 5,2ha với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được bảo tồn và gìn giữ đến ngày hôm nay.

Những năm gần đây, nhờ khai thác du lịch càng một hiệu quả hơn nên cơ cấu kinh tế của xã Bát Tràng đã có 53% là tiểu thủ công nghiệp, 47% thương mại-du lịch-dịch vụ; xã có gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ, có hệ thống cửa hàng dọc tuyến đường từ làng Giang Cao đến Bát Tràng. Tại đây, sản phẩm gốm sứ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách. Thu nhập từ du lịch, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người hiện ước tính đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho chừng 5.000 lao động đến từ các địa phương khác.

Xây dựng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm

Gia Lâm: Sức sống mới từ di sản, tinh hoa làng nghề và du lịch trải nghiệm  - ảnh 3
Khách tham quan làng nghề gốm Bát Tràng (ảnh C.Linh)

Theo bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm, hiện trên địa bàn huyện có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt là đền Phù Đổng; 64 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói này, huyện Gia Lâm sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tăng kết nối du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng với các làng nghề như: Nghề dát quỳ vàng xã Kiêu Kỵ, làng hoa giấy Phù Đổng; du lịch sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm tại Văn Đức, Phù Đổng; du lịch tâm linh Đền - Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng).

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, huyện Gia Lâm, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành xác định chân dung khách hàng là ai để thiết kế tour cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần định hướng lại sản phẩm, hướng đến nhóm gia đình có trẻ nhỏ cắm trại cuối tuần, học sinh đi dã ngoại tại các khu du lịch Green Park, khu du lịch Cánh Buồm Xanh…

Để phát triển du lịch, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm, Công ty Hanoitourist cho rằng, huyện Gia Lâm cần tập trung vào 2 sản phẩm chính là du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp.

Thời gian qua, nông dân xã Phù Đổng đã đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, hình thành một số làng nghề đặc trưng như: Làng hoa cây cảnh thôn Phù Đổng; trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên, làng nghề hoa giấy Phù Đổng… cung cấp ra thị trường các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo cảnh quan vùng hoa rộng lớn, nhiều sắc màu, thu hút khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm.

Gia Lâm: Sức sống mới từ di sản, tinh hoa làng nghề và du lịch trải nghiệm  - ảnh 4
Sản phẩm của làng nghề Bát Tràng

Trong cụm phát triển du lịch Bát Tràng - Kim Lan - Văn Đức của huyện Gia Lâm, xã Văn Đức đang được xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, kết hợp du lịch tâm linh, bởi có một số di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, hiện xã đang phát triển 300ha sản xuất nông nghiệp, với các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung thành mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm thực tế. Tại thôn Chử Xá có vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao đã đón nhiều lượt khách, nhất là các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất rau.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, du khách về Gia Lâm, cần được “giữ chân” họ lâu hơn, làm sao để họ còn có thời gian lưu trú, và tiếp tục trở lại chứ không phải “một đi không trở lại”. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm có những giải pháp đồng bộ từ giao thông, các công trình di tích lịch sử, công viên, đến phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, áp dụng khoa học công nghệ cao tại vùng trọng điểm, hướng tới xây dựng, phát triển xanh, sạch, gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số ban, bộ, ngành liên quan. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Hà Nội chăm lo chu đáo cho người có công

Hà Nội chăm lo chu đáo cho người có công

(PNTĐ) - Chiều 10/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí Thành phố tháng 7. Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, bà Lê Thị Ánh Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Hà Nội: Lắp đặt màn hình LED và hệ thống loa truyền thanh phục vụ  80 năm cách mạng tháng Tám

Hà Nội: Lắp đặt màn hình LED và hệ thống loa truyền thanh phục vụ 80 năm cách mạng tháng Tám

(PNTĐ) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 9/7/2025 về lắp đặt màn hình LED và hệ thống loa truyền thanh phục vụ Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025) trên địa bàn TP Hà Nội.
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

(PNTĐ) - Sáng 9/7, sau gần 24 giờ bay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 4/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.