Giải phóng Thủ đô – mốc son vàng trong lịch sử dân tộc
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là sự kiện có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với nhân dân Hà Nội mà còn là ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài; Là mốc lịch sử chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và cả nước.
Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh: TL.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang. Theo quy định của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian còn ở Hà Nội, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Thành ủy Hà Nội, quân và dân Thủ đô kiên quyết đấu tranh đòi quân Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố và phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, Pháp buộc phải ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự (ngày 30/9/1954), về hành chính (ngày 2/10/1954) cam kết đảm bảo trật tự an toàn, không được phá hoại và làm gián đoạn các hoạt động của Thành phố. Do đó, từ ngày 2-5/10/1954, Đội hành chính, Đội trật tự của ta tiến vào thành phố làm công tác chuẩn bị tiếp quản.
Theo Kế hoạch tiếp quản Hà Nội của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ ngày 7/10/1954, trên các hướng, những đơn vị chủ lực của ta đã tiến dần về thành phố.
Ngày 8/10/1954, Ban Tiếp nhận Quân sự triển khai ở 6 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 tiến vào chiếm lĩnh các khu vực đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Tự vệ và công nhân nhà máy, trong đó, có nhiều nữ công nhân tham gia, canh gác bảo vệ xí nghiệp. Pháp rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, quân dân ta đã tiếp quản hoàn toàn thành phố an toàn và trật tự.
Sáng 10/10/1954, dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, đại quân ta từ 5 cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Nhân dân Thủ đô tưng bừng cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ở khắp các ngả đường hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô, bao gồm 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… được nguyên vẹn. Trong đó, có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp.
15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội, trong đó, có nhiều phụ nữ hân hoan dự lễ chào cờ long trọng mừng ngày giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố trân trọng đọc “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khǎn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, chiến thắng này là minh chứng sống động, rất đỗi tự hào của các thế hệ người Việt Nam về sự chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo. Thắng lợi này còn góp phần tô đậm, làm phong phú và nâng nghệ thuật quân sự đặc sắc “quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng” của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới. Có thể khẳng định, việc giữ nguyên vẹn Thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài suốt 9 năm là một kỳ tích của quân, dân Việt Nam và trở thành một sự kiện đặc biệt, hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Đó cũng là bằng chứng sinh động về sức mạnh của văn hóa Việt Nam, văn hóa “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, bằng chứng về sự toàn thắng của trí tuệ, ý chí, nghị lực, tinh thần Việt Nam trước sự hung bạo của thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, phản cách mạng và trước sức mạnh của vũ khí kỹ thuật hiện đại… 67 năm đã qua, nhưng sự kiện giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị và trở thành động lực cho sự phát triển của hiện tại và tương lai.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Thủ đô Hà Nội tiếp tục viết tiếp trang sử vẻ vang oai hùng, là hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phụ nữ Thủ đô có những đóng góp quan trọng trong phong trào “Ba đảm nhận”, “Ba đảm đang”... và phụ nữ Đan Phượng vinh dự được cả nước biết đến với tên gọi thân quen “Quê hương người gái đảm”. Phụ nữ còn vận động chồng con nhập ngũ lên đường chiến đấu khắp các chiến trường và cùng quân dân Thủ đô lập nên kỳ tích tại “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Pari năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng, Thủ đô Hà Nội tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Tăng trưởng GRDP luôn duy trì ở mức cao, bình quân hơn 7%/năm. Riêng năm 2020, tính chung GRDP ước tăng 3,94% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2020, tổng thu ngân sách đạt khoảng 280,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 3,9% so với năm 2019. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16,0 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại và là một trong những địa phương luôn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong những năm đổi mới. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 3,72 tỷ USD). An sinh xã hội được đảm bảo; Hỗ trợ kịp thời đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhìn chung, năm 2020, Hà Nội đạt và vượt 16 chỉ tiêu, trong số 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Hà Nội thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và tiếp tục đạt kết quả khả quan. Do đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ được củng cố; Vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao.
Có được những thành công đó không thể thiếu sự đóng góp công sức, trí tuệ rất lớn của phụ nữ Thủ đô Hà Nội, nhất là thực hiện thành công Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”. Nhiều gia đình chị em phụ nữ đã thoát nghèo. Nhiều chị đã trở thành các chủ trang trại lớn, chủ doanh nghiệp thành đạt, hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, nhất là dịch Covid-19, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “hòa bình - văn minh - hiện đại” và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước trong những năm tiếp theo.
TS. VŨ TRỌNG HÙNG
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)