Hà Nội dành khoảng 23.524 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

ĐỨC HẠNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay (20/5), với 91/91 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã quyết nghị thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với số tiền khoảng 23.524 tỷ đồng từ ngân sách TP.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã trình bày tờ trình của UBND TP, trong đó cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km (qua TP Hà Nội 58,2km; tỉnh Hưng Yên 19km; tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km). Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Hà Nội dành khoảng 23.524 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn trình bày tờ trình của UBND TP Hà Nội

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 85.840 tỷ đồng, được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm 1 với 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm 3 với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đầu tư nhóm quan trọng quốc gia; cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án là Quốc hội được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. UBND TP báo cáo và đề nghị HĐND TP xem xét dự kiến bố trí từ ngân sách TP khoảng 23.524 tỷ đồng; với 2 giai đoạn: giai đoạn 2021 - 2025 là 19.477 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn  nhấn mạnh: UBND TP cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư. 

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hồ Vân Nga cho rằng, nguồn vốn để thực hiện dự án được sử dụng từ nguồn vốn bố trí cho các dự án lớn cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực hiện dự án (36.000 tỷ đồng) và từ nguồn dự vòng (15.000 tỷ đồng) đã được HĐND TP thống nhất tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 là phù hợp. Dự kiến tổng nhu cầu vốn bố trí cho dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là trong phạm vi tổng mức vốn đã được cân đối huy động của TP.

Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND TP có kế hoạch, phương án, lộ trình cụ thể trong cân đối và huy động các nguồn lực tài chính hàng năm để đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ của dự án này cũng như các dự án khác của TP.

Ngoài ra, việc TP tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí vốn để thi công hoàn thành dự án trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 là cần thiết và có tính khả thi. Trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho Dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026 - 2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách TP.

Hà Nội dành khoảng 23.524 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - ảnh 2
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và thảo luận tại kỳ họp, 91/91 đại biểu có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách TP là khoảng 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 19.400 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng.

Hà Nội dành khoảng 23.524 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - ảnh 3
Các đại biểu HĐND TP thông qua Nghị quyết 

Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án như sau: Năm 2020 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương, trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng, thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn Ngân sách TP.

HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP triển khai cân đối đủ vốn ngân sách TP để tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đảm bảo tiến độ được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư; đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và các quy định khác liên quan. Trường hợp huy động nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách TP cần được lập đề án cụ thể, trình cấp thẩm quyền và HĐND TP quyết nghị theo đúng quy định.

Hoàn thiện hồ sơ dự án trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3

Sau một buổi sáng làm việc, kỳ họp thứ 5 - kỳ họp chuyên đề của HĐND TP đã hoàn thành nội dung đề ra. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm được hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trước mắt, UBND TP cần khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ ba. Đồng thời, triển khai các giải pháp tăng cường nguồn lực, bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách TP để triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên tuyến đường và cơ chế để huy động tối đa nguồn lực triển khai, thực hiện dự án; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật. 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.