Hà Nội: Nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 12/3, UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua cho 19 tập thể, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho 84 tập thể, 84 cá nhân và 7 hộ gia đình có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2021, TP đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra trước 4 năm. Chỉ trong vòng 3 năm (2021-2023), TP có 12 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU.

Hà Nội: Nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” - ảnh 1
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố trao Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tặng hoa chúc mừng huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thái

Trong 4 năm qua, toàn thành phố đã huy động được hơn 86.800 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 800 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có 12 quận thuộc thành phố đã bố trí kinh phí hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là 1.132 tỷ đồng.

Đến hết năm 2024, TP Hà Nội đã có 229/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 59,9% tổng số xã), vượt 73 xã so với mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra; có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,5% tổng số xã), vượt 29 xã so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Mới đây, Hà Nội đã có thêm 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao lên 5 huyện. Con số này đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước trong lĩnh vực này, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU là 4 huyện.

Hiện Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội đã đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Trung ương, mang bản sắc riêng của Thủ đô.

Hà Nội: Nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” - ảnh 2
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Quang Thái

Đến nay, thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao. Thành phố hiện có 1.574 trang trại nông nghiệp, nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái; có 337/1350 làng nghề và làng có nghề được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đạt khoảng 73,8 triệu đồng/năm, tăng 18,8 triệu đồng/năm so với năm 2020. Thành phố không còn hộ nghèo, an sinh xã hội được chăm lo.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ khẳng định, để đạt được kết quả nêu trên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là sự tham gia tích cực và rất trách nhiệm của toàn thể nhân dân Thủ đô.

Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương sự đóng góp của các sở, ban, ngành TP, các quận, huyện, thị xã, các địa phương và toàn thể nhân dân TP đã chung tay, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, biểu dương những thành quả đạt được của các địa phương trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị trong năm 2025 các sở, ngành TP, UBND các huyện, thị xã tiếp tục tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để tiếp tục duy trì các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt được, phát triển nông thôn theo hướng phù hợp với tiêu chí đô thị.

Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Các sở, ngành TP chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện 11 chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2025; tham mưu Thành ủy ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2026-2030.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và thêm ít nhất 2 huyện đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị tiếp tục tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở Luật Thủ đô năm 2024; Quyết định số 1668 ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất; qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra.

Hà Nội: Nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” - ảnh 3
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố tặng các hộ gia đình có thành tích xuất sắc. Ảnh: Quang Thái

Trọng tâm là thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại; phát huy giá trị các di sản - di tích và làng nghề, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung các giải pháp phấn đấu thu nhập bình quân của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Tăng cường công tác xã hội hóa để huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã công bố Quyết định và trao bằng công nhận Huyện chuẩn nông thôn mới nâng cao của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Oai.

Thành uỷ Hà Nội có quyết định trao Bằng khen của Thành uỷ cho 10 tập thể, 10 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ.

Tin cùng chuyên mục

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

(PNTĐ) - Cách đây 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết. “Giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(PNTĐ) -Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 864/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của các địa phương tại các Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Những nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong tháng 5 của các cơ quan báo chí Hà Nội

Những nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong tháng 5 của các cơ quan báo chí Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 6/5 Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 5/2025. Đồng chí Nguyễn Huy Cường – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Hội nghị.