Hãy lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim và sự thấu hiểu
(PNTĐ) - 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố và 4 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đại diện cho trẻ em cả nước tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” đã đưa ra thông điệp của mình. Diễn đàn do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Thông điệp của trẻ em
Trong bài phát biểu về thông điệp của các em tại diễn đàn, nhiều em học sinh cho biết đã nhận thức sâu sắc rằng: Trẻ em không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại, tình yêu thương dành cho trẻ em sẽ giải quyết các vấn đề của trẻ em một cách có trách nhiệm và với khả năng cao nhất. Nếu các em được học cách yêu thương thì bạo lực không còn chỗ đứng trong môi trường học đường. Việc động viên và hỗ trợ học sinh tránh bỏ học sớm của người lớn cũng là phòng ngừa nguy cơ dẫn đến tảo hôn.
Việc xây dựng không gian mạng an toàn không chỉ cần thiết cho trẻ em hôm nay mà còn hữu ích cho thế hệ mai sau và các em có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng nếu được hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp…
Do vậy, các em đã đưa ra nguyện vọng và mong muốn người lớn hãy lắng nghe trẻ em để hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em khi ra các quyết định. Cụ thể: Hội đồng nhân dân các cấp định kỳ tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và tổ chức thêm các hoạt động lấy ý kiến của trẻ em về các giải pháp, thông tin, góc nhìn của trẻ em đối với các vấn đề của trẻ em; tổ chức các buổi tập huấn dành cho các cán bộ về quyền trẻ em để các bác hiểu hơn về trẻ em cũng như có thể huy động trẻ em tham gia đề xuất các sáng kiến, giải pháp giải quyết vấn đề liên quan đến trẻ em; có nhiều hơn chính sách và các hoạt động nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em để phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn.
Các thầy giáo, cô giáo nâng cao nhận thức của các bạn học sinh và gia đình về tầm quan trọng của việc học, động viên, hỗ trợ các bạn có ý định bỏ học và các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong học tập. Nhà trường xây dựng, nâng cao chất lượng phòng tham vấn học đường và hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt trong trường học để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh; đưa nội dung an toàn trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính trong trường học vào sách giáo khoa.
Trẻ em được tạo thêm nhiều kênh thông tin, truyền thông để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của trẻ em. Tất cả trẻ em, đặc biệt là các bạn khuyết tật, được tiếp cận với môi trường mạng một cách an toàn và lành mạnh; phát triển các sản phẩm truyền thông thân thiện, hữu ích với trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng tính năng kiểm duyệt và sàng lọc thông tin trên mạng; xử lý nghiêm những người lừa đảo và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tổ chức nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Để thực hiện mong muốn đó, 188 trẻ em tại diễn đàn đã cam kết sẽ động viên, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, các bạn có nguy cơ bỏ học sớm dẫn đến tảo hôn; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động xã hội để giảm việc sử dụng điện thoại và thời gian trên môi trường mạng; sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả để hỗ trợ, chuyển tải tích cực tiếng nói, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Các em sẽ tuyên truyền, chia sẻ về kiến thức và hành vi tích cực, ngăn ngừa hành vi xấu thông qua mạng xã hội; sáng tạo các clip, chương trình phát thanh măng non để hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ và an toàn cho bạn bè; tích cực tham gia vào các nhóm, câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để phát hiện và báo cáo kịp thời cho thầy giáo, cô giáo, cha mẹ và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại…
Làm hết trách nhiệm và lương tâm để bảo vệ trẻ em
Tại diễn đàn, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, cơ chế nắm thông tin về trẻ hiện nay rất đa dạng. Trong trường học có tổ chức Đội với các thầy cô Tổng phụ trách, về nhà có bố mẹ, bên cạnh đó còn có Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, làm sao nắm bắt thông tin hiệu quả nhất, một phần là ở chính các em. Khi phát hiện vấn đề như bạo lực, xâm hại... thì các em phải lên tiếng, thực hiện quyền được thể hiện, tham gia của mình.
Nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”. Toàn quốc hiện nay đã xây dựng được 17 “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, 35 “Hội đồng trẻ em” cấp huyện, 4 “Hội đồng trẻ em” cấp xã. Hoạt động của mô hình “Hội đồng trẻ em” các cấp cùng các chương trình lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, HĐND gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi đã góp phần nâng cao nhận thức của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng…
Có thể nói, trong những năm gần đây, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến trẻ em, cũng như vấn đề lấy ý kiến tham gia của trẻ em, để từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị định, nghị quyết, công văn có liên quan đến các nhóm vấn đề trên để bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Về cơ bản, trẻ em Việt Nam đã được sống trong môi trường ngày càng an toàn hơn, điều kiện học tập, vui chơi, giải trí ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại, phải lao động trái quy định của pháp luật; điều kiện vui chơi, giải trí ở nhiều địa phương còn hạn chế… đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, những năm qua, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam, tạo lập môi trường sống an toàn, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Tiếng nói của trẻ em ngày càng được các cấp, các ngành coi trọng.
“Tôi đề nghị các đại biểu lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em; nghiên cứu để đưa các ý kiến, đề xuất của trẻ em vào kế hoạch, chương trình công tác của bộ, ngành, tổ chức và ưu tiên thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật” - ông Đào Ngọc Dung nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” một lần nữa nhắc nhở các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp về trách nhiệm bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; trách nhiệm kiểm soát, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị xâm hại của mọi trẻ em; ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.
Sáng kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em từ các diễn đàn, các hoạt động có tham gia của trẻ em trao thêm cho các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em, hình thành một mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh đến sự tăng cường sự phối hợp cả ba nhân tố là gia đình – nhà trường – xã hội để dành tình cảm, những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Trong đó, cần chú trọng việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức (văn thể mỹ), trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các em để có thể đề kháng với các vấn đề bạo hành học đường, xâm hại…
Cùng với đó là xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn trên môi trường mạng; có giải pháp ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc, nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
“Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Bộ TT&TT trong thời gian tới, ngắn nhất có thể thực hiện công việc giám sát được các chương trình, thông tin trên mạng” – Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng phát động với các trẻ em phong trào bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, hình thành nếp sống thân thiện, hòa mình với thiên nhiên, trong các em nhỏ. Và cuối cùng, cần tạo thêm nhiều kênh, nhiều diễn đàn sáng tạo hơn nữa để giúp trẻ em thực hiện sứ mệnh của mình. Mỗi gia đình, các cấp, các ngành và toàn xã hội bằng trách nhiệm, tình thương yêu cần tiếp tục có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để chăm lo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, nhất là các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn, các cháu vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tất cả các trẻ em đều được quan tâm phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu, môi trường sống an toàn và lành mạnh.
“Mong các cháu khi tham dự Diễn đàn sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa tình yêu thương nhân ái, yêu lao động, ham học hỏi, luôn ghi nhớ và làm thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, có ước mơ, hoài bão, khát vọng vì tương lai của Tổ quốc” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắn nhủ.