HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực quan trọng, được cử tri quan tâm

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 7/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà báo cáo về Kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

 HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực quan trọng, được cử tri quan tâm - ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa XVI

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, năm 2022, Thường trực HĐND Thành phố (TP) đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần chủ đề năm 2022 của TP là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” để thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND TP đã ban hành Chương trình công tác số 01/CTr-HĐND, ngày 3/1/2022 của Thường trực, các Ban và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP năm 2022 gồm 138 nội dung trọng tâm.

Kết quả, cơ bản toàn bộ các nội dung theo chương trình đề ra và hơn 60 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của TP đã được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ...

Cụ thể, trong năm 2022 HĐND TP đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 1 kỳ họp thường lể và 5 kỳ họp chuyên đề để xem xét các vấn đề quan trọng, cấp thiết của TP. Đã ban hành 48 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của TP.

Có thể kể đến các nghị quyết như: Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội; Biện pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP; Bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Thành ủy; Mức hỗ trợ trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ mức thu học phí năm học 2022-2023...

Các kỳ họp được tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Các nội dung được chuẩn bị, thẩm tra kỹ lưỡng; chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu, lan tỏa không khí mới, thực chất và hiệu quả hơn trong hoạt động nghị trường.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, năm 2022 cho biết, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND TP được triển khai rất nghiêm túc, tiếp tục tăng cường về chất lượng và hiệu quả. Các phiên chất vấn của HĐND TP diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND TP lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, quan trọng, thiết thực, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho TP, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn được tổ chức theo nhóm vấn đề trọng tâm, người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nội dung chất vấn; những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình theo đúng quy định. Cách thức đặt câu hỏi và trả lời theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Với một số nội dung yêu cầu chất vấn bằng văn bản đều được nêu rõ trong thông báo kết luận hoặc văn bản của Thường trực HĐND TP để UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền trả lời theo quy định.

Để chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề xuất của các Ban HĐND và đại biểu HĐND TP, Thường trực HĐND TP lựa chọn 3 trong số 4 nhóm vấn đề dự kiến chất vấn tại kỳ họp gồm: Tái chất vấn việc thực hiện các kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND và những cam kết, lời hứa của UBND TP và một số cơ quan của TP; Chất vấn nhóm vấn đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải; Chất vấn nhóm vấn đề về thoát nước; Chất vấn về công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP.

 HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực quan trọng, được cử tri quan tâm - ảnh 2
Quang cảnh kỳ họp

Về hoạt động giải trình của Thường trực HĐND, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND TP, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, trong năm 2022 hoạt động này bảo đảm đúng luật và tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được triển khai linh hoạt, phù hợp tình hình.

Đặc biệt, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn TP và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình, nội dung giải trình, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn, giảm thành phần đoàn giám sát, số lượng các cuộc giám sát trực tiếp; đồng thời tăng cường giám sát thực địa, đẩy mạnh giám sát việc thí điểm thực hiện chính quyền đô thị ở những địa bàn không tổ chức HĐND phường…

Các đoàn giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND Thành phố đều có sự phối hợp tham gia của các sở, ngành và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP được thực hiện với các hình thức phù hợp trong điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, tạo sự đa dạng, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và chuyên môn của các đơn vị, cá nhân.

Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn ĐBQH TP. Nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND TP đã mời ĐB Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử, nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Qua đó, chương trình giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND TP đã được thực hiện cơ bản đảm bảo thời gian, các nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn. Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ càng, nghiêm túc; kết luận giám sát nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục.

Cùng đó, chất lượng báo cáo giám sát được nâng cao. Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi tới UBND TP và các đơn vị - đối tượng giám sát để nghiên cứu, tiếp thu và triển khai thực hiện, đồng thời được đăng trên Trang thông tin điện tử của HĐND TP để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.

Trong năm 2022, Thường trực HĐND TP tổ chức 2 phiên giải trình với các vấn đề lựa chọn “trúng và đúng”, phù hợp với thực tiễn. Đó là phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội và Phiên giải trình về công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô tự 2 ha trở lên trên địa bàn TP.

Tại các phiên giải trình, Thường trực HĐND TP và các vị đại biểu HĐND TP đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tập trung trao đổi, nêu yêu cầu giải trình tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Các thiết chế văn hóa là dự án có vướng mắc, chậm triển khai; Hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ; Các khu vui chơi, giải trí; công viên vườn hoa, sân chơi...; Các thiết chế văn hóa sử dụng chưa hiệu quả, sai mục đích; các cơ chế chính sách về công tác quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa.

Kết luận phiên giải trình về công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô tự 2 ha trở lên trên địa bàn TP, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; có các giải pháp, lộ trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của từng khu đô thị và toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố hiện đang thực hiện dở dang.

Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri luôn được quan tâm. Cùng với việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ theo quy định, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP duy trì tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua nhiều kênh khác nhau. Qua đó, toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ, chuyển tới UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo trả lời, giải quyết cụ thể; được xem xét, chuyển tải thành các nội dung phục vụ chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND Thành phố.

"HĐND Thành phố Hà Nội đã bám sát Quy chế làm việc, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo chủ động, khoa học, linh hoạt, thiết thực; các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả, hoàn thành theo kế hoạch với chất lượng, hiệu quả cao" - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh. 

 


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.