Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 16/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật đất đai (sửa đổi). Bà Lê Kim Anh, UV ĐCT Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Thủy, UV BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội nghị.

lHội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Tham dự và đóng góp ý kiến tại hội nghị có, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Đào Vi Phương, Phó Trưởng Ban Chính sách Luật pháp Hội LHPN Việt Nam; TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Cùng dự còn có đại diện Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thành phố như: Hội nữ Trí thức, Hội nữ doanh nhân, Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội; đại diện các chuyên gia giới, Hội Luật gia, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư Hà Nội; lãnh đạo Hội LHPN các quận, huyện, thị xã; và có đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện.

Còn 12 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phụ nữ chưa được đứng tên 

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 2
Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, hội nghị TW 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới về chính sách, pháp luật về đất đai, sau hơn 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, bật cập, một số qui định chồng chéo với các văn bản luật khác; dẫn đến những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất, chưa đáp ứng với yêu cầu  phát triển bền vững trong giai đoạn mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Điểm ra các vấn đề như quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn,thực hiện chưa nghiêm, còn có quy hoạch treo nhiều năm, gây lãng phí đất và bức xúc trong nhân dân…, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố nhấn mạnh: “Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, hoạt động và cuộc sống của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai cần có sự tham gia góp ý của nhiều ngành, nhiều cấp, đại biểu của nhân dân”.

Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 4 tháng 10/2022. Dự thảo lần này sửa đổi toàn diện, gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội phụ nữ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thực hiện chỉ đạo của TW Hội, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai kế hoạch lấy ý kiến các cán bộ, hội viên phụ nữ đối với dự thảo Luật.

Vì vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, đại diện các sở, ngành. MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức thành viên, đại diện các tầng lớp phụ nữ (trí thức, doanh nhân, luật gia…).

Chủ tịch Lê Kim Anh đề nghị các đại biểu từ thực tiễn hoạt động, nghiên cứu các quy định của pháp luật, tập trung có ý kiến vào các nội dung chính như:  Việc thể chế những điểm mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các luật khác có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các qui định liên quan đến vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Đề xuất kiến nghị lồng ghép giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường  phát biểu

Chia sẻ tinh thần sửa đổi Luật, những điểm mới của Luật, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được quy định theo hướng không có sự phân biệt nam hay nữ, đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất. Khi Nhà nước thu hồi được bồi tường theo quy định của pháp luật…

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay tổng số Giấy chứng nhận (GCN) đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu GCN, trong đó hộ gia đình là 15,07 triệu GCN, cá nhân là 5,01 triệu GCN, cả vợ và chồng là 4,6 triệu GCN, 15,68 triệu GCN có tên phụ nữ. Đáng lưu ý là có khoảng 12 triệu GCN là hộ gia đình mà  đối tượng vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng chỉ có tên chồng.

Ông Nguyễn Đình Thọ cho rằng, tỷ lệ GCN có cả tên vợ và chồng vẫn còn thấp vì nhiều lý do, trong đó có hạn chế về nguồn lực của Nhà nước đối với việc triển khai thực hiện, người dân chưa biết về quy định của pháp luật, chưa biết về cơ hội được chuyển và lợi ích của việc chuyển đổi, cũng như tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa xã hội.

Đề nghị công bố công khai minh bạch về quy hoạch và dự án

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 4
TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội phát biểu

Đồng quan điểm về việc người phụ nữ còn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của mình khi đứng tên chung GCN quyền sử dụng đất, TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội cũng đặt ra vấn đề cần phải có khảo sát về việc thực hiện quyền phụ nữ trong việc tiếp cận Luật Đất đai để đánh giá thực chất. Bà Bùi Thị An cũng nhấn mạnh “đất đai là tài sản vô cùng thiêng liêng”, vì vậy việc tăng cường quyền giám sát thực thi của các tổ chức chính trị xã hội phải được đặt đúng vị trí. Đồng thời, việc công khai minh bạch thông tin về quy hoạch, dự án cho người dân biết; tăng cường đối thoại gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ với nhân dân, lấy ý kiến thực tế của nhân dân…

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 5
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phát biểu

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để cập đến vấn đề cần bổ sung về bảng giá đất cần được sửa đổi làm cơ sở để tính tiền thu hồi và bồi thường phù hợp với thực tế; cần bổ sung bồi thường chi phí đầu tư vào đất; cần công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các khu vực có dự án đầu tư cũng như các chủ trương chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 6
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích về quyền lợi của người phụ nữ rất bấp bênh. Hiện luật chưa quy  định giải quyết được vấn đề tồn tại coi trọng đàn ông hơn đàn bà. Trong khi ý nghĩa của việc đứng tên cả vợ và chồng trong GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà thì vô cùng tốt đẹp và  nhân văn, nhưng lại có thêm câu “trừ khi đồng thuận đứng tên một người”. Hiện nay còn 12 triệu hộ chưa đăng ký biến động quyền của phụ nữ trên GCN như vậy cho thấy quyền lợi của phụ nữ đang bị xâm hại. Thực tế đã có nhiều hệ lụy, thiệt thòi cho người phụ nữ. Bà Nga cũng quan tâm đến vấn đề đăng ký tài sản trên đất chưa được công nhận theo.

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 7
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội phát biểu

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cũng đề nghị nghiêm cấm bỏ hoang đất, đề nghị khái niệm hóa lượng hóa liên quan đến hậu quả nghiêm trọng, cũng phải lượng hóa. Vấn đề quy định phải công bố công khai, cung cấp cho người dân nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 8
Bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân 

Bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân quan tâm đến văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Về giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, bà đề nghị xem xét, nên quy định rõ, cụ thể đối tượng, loại đất nào thì phải thực hiện đấu giá.  

Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh 9
Bà Bùi Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh 

Bà Bùi Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh cho biết, huyện Mê Linh là huyện có nhiều dự án chậm triển khai nên đề nghị việc thu hồi dự án cần bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp bất khả kháng” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.

Kết luận hội nghị, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị và sẽ gửi báo cáo tới Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban MTTQ thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.

Bà Lê Kim Anh cũng bày tỏ mong muốn sẽ có lộ trình để 12 triệu hộ hiện chưa có tên vợ đứng tên chung thì tiến tới sẽ đạt được ghi tên người vợ trên GCN; làm thế nào để người phụ nữ tiếp cận dễ dàng và quyền thụ hưởng đối với tài sản là vấn đề quan trọng. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).
Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.