Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 11/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022 với chủ đề: “Cùng hành động - Cùng lớn mạnh trong thực tế mới”. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới - ảnh 1
 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội nghị còn có sự tham dự của ông ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN).

Sự kiện thu hút gần 500 đại biểu tham dự (trực tiếp và trực tuyến), là đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung Ương, VCCI, các vị Đại sứ, đại diện lãnh đạo Đại sứ quán các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ Châu Á, Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN (USABC); Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)..; các chuyên gia kinh tế, các Nữ Doanh nhân tiêu biểu trong ASEAN; cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trung ương và Hà Nội.

Đặc biệt, có các vị khách quý/diễn giả nổi tiếng - Bà Irene Natividad - Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu (từ Hoa Kỳ); bà Kobkarn Wattanavrangkul - Nguyên Bộ trưởng bộ Thể Thao Du lịch Thái Lan, Phó Chủ Phòng Thương mại Thái Lan, Chủ tịch TOSHIBA Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban đăng cai Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 32 tại Băng Cốc tháng 5 vừa qua; Ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Meta...

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới - ảnh 2
 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị như một hoạt động tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022 tại Thái Lan và Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 2 do Campuchia - Chủ tịch ASEAN năm 2022 chủ trì, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế, phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và doanh nhân nữ nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, trong những năm qua, với sự phát triển, tiến bộ chung của nhân loại và nỗ lực của các quốc gia, vị thế của phụ nữ trong ASEAN tăng lên đáng kể thông qua việc tăng cường hợp tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh và phát triển kỹ năng; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; tăng khả năng đại diện và vai trò lãnh đạo của phụ nữ; khuyến khích hợp tác công tư…

Nhấn mạnh các kết quả tích cực về bình đẳng giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện chiếm hơn 30%; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 50%. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt từ 47-48% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 27%, trong đó, có nhiều phụ nữ tham gia hội đồng quản trị, làm tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, lương thực và các thách thức an ninh phi truyền thống, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận thông tin, thị thường, dịch vụ tài chính, thu hút nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm thích ứng với những xu hướng của thời đại để tồn tại và phát triển.

Theo Phó Chủ tịch nước, hơn 2 năm qua, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh và những thách thức to lớn, nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Năm 2022, tăng trưởng GDP ước đạt 8%; kiềm chế lạm phát dưới 4%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tin tưởng, với 3 chủ đề thiết thực của Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân nữ các quốc gia ASEAN sẽ đưa ra những sáng kiến và đề xuất có giá trị, không chỉ đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ mà còn đối với Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến thương mại, mạng lưới doanh nhân nữ trong nước và khu vực, nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận các nguồn lực phát triển; tận dụng các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại; tăng cường kết nối, hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, vì một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN)

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) khẳng định: Vai trò, vị trí quan trọng của doanh nhân nữ Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Việc ưu tiên phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ không chỉ khuyến khích chị em tham gia vào các hoạt động kinh tế, giải quyết công ăn việc làm… mà còn nâng cao vị thế kinh tế, xã hội của chị em, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển bền vững và bao trùm.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi những vấn đề khó khăn, thách thức, các giải pháp và kinh nghiệm đổi mới để khắc phục, thích ứng; các vấn đề quyết định sự thích ứng và phát triển của các doanh nghiệp trong thực tiễn mới tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Ứng dụng công nghệ để mở rộng, phát triển và bảo vệ doanh nghiệp trong hiện thực mới; tái cấu trúc doanh nghiệp; mở rộng kết nối để "Cùng hành động và cùng phát triển".

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới - ảnh 4
Các diễn giả trao đổi tại hội nghị

Các đại biểu trao đổi những vấn đề khó khăn, thách thức, các giải pháp sáng tạo/kinh nghiệm đổi mới để khắc phục, thích ứng và phát triển tại ba phiên thảo luận. Với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế trong AWEN và các tổ chức thành viên AWEN tại các nước.

Nhìn từ các góc độ khác nhau, các diễn giả có chung nhận định về nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19, những diễn biến nhanh, mạnh, trên phạm vi toàn cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng  xung đột  Nga- Ucraina đã và đang tác động  sâu sắc, mạnh mẽ đến kinh tế thế giới, kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Đổi mới để thích ứng, cùng hành động, cùng lớn mạnh và phát triển bền vững không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp, mà còn là việc chung của các nền kinh tế, của ASEAN và toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022: Cùng đồng hành-Cùng lớn mạnh trong thực tế mới - ảnh 5
Quang cảnh hội nghị

Nhân dịp này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam/Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tái cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng Doanh nghiệp trong đó có đội ngũ Nữ Doanh nhân Việt Nam để góp phần hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Việt Nam, đồng thời chung tay cùng cộng đồng doanh nhân ASEAN góp phần xây dựng ASEAN hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển trong những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.