Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.

Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

So với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật, được xây dựng trong bối cảnh thuận lợi, với sự kết hợp của các nguồn lực quan trọng, đó là: Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Những quyết định, văn bản quan trọng này không chỉ tháo bỏ các rào cản pháp lý mà còn tạo điều kiện về nhân lực và tài lực cho sự phát triển của Thủ đô.

"Luật Thủ đô 2024 và 2 đồ án quy hoạch của Thủ đô là cơ sở pháp lý, điều kiện, cơ hội thuận lợi cho TP Hà Nội phát triển xứng tầm trong khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò là Thủ đô - trái tim của cả nước; thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị…" - Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành (Sở GTVT Hà Nội).

Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội - ảnh 1

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô

Luật Thủ đô 2024 quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Theo đó, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân TP Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có quy định riêng về mô hình chính quyền đô thị áp dụng cho TP Hà Nội và có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến những điều kiện đặc thù đúng với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” đã được Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các cấp của Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô được thể hiện theo hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.

Luật cũng sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được ban hành, những cơ chế, chính sách đặc thù từ Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thực sự là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đổi mới sáng tạo và Bình đẳng giới

Phụ nữ đổi mới sáng tạo và Bình đẳng giới

(PNTĐ) - Đổi mới, sáng tạo và Bình đẳng giới là nền tảng vững chắc cho tương lai. Vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội toàn diện. Việc tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà.
Những dấu ấn nổi bật của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2024

Những dấu ấn nổi bật của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2024

(PNTĐ) - Năm 2024, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã làm tốt vai trò tham mưu chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, nhất là tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hà Nội, của đất nước.
Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

(PNTĐ) - Hôm nay (1/1-2025), Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực thi hành.Theo đó, 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ đi vào hoạt động.
Khai thác tiềm năng du lịch dược liệu của vùng đất Tây Nam Bộ

Khai thác tiềm năng du lịch dược liệu của vùng đất Tây Nam Bộ

(PNTĐ) - Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng dược liệu tại các tỉnh Tây Nam Bộ là chương trình của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, dược liệu và bảo tồn thiên nhiên. Thông qua các hoạt động khảo sát và tìm hiểu thực tế, các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý du lịch đã có cơ hội tiếp cận và đánh giá chính xác hơn về tiềm năng du lịch của vùng đất Tây Nam Bộ.