Huyện Phú Xuyên đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới ​

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 18/6, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ công bố và đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU (khóa 16); Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố...

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên.

Huyện phát triển sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Phú Xuyên là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Nội; Huyện có 27 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 02 thị trấn và 25 xã, với 9 tiểu khu và 145 thôn, cụm dân cư. Tổng diện tích 17.142 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 11.044,3 ha chiếm 64,2%, đất phi nông nghiệp 6.038,6ha, chiếm 35,2%; đất chưa sử dụng 60,1ha, chiếm 0,4%.

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm thấp: 16 xã đạt và cơ bản đạt 6-7 tiêu chí; 10 xã đạt và cơ bản đạt 5 tiêu chí.

Đời sống của nhân dân còn thấp, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 14,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; các hình thức tổ chức sản xuất còn chưa đa dạng, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế như HTX, doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế.

Sau 10 năm (từ 2010 đến 2020), thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên có 25/25 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; Huyện đã đạt 9/9 (100%) tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Chính phủ.

Huyện Phú Xuyên đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới  ​ - ảnh 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo Thành phố trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng huyện Phú Xuyên

Đến nay, Huyện đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 25/25 xã theo Thông tư 02/2017/TT-BXD ngày 01/03/2017 của Bộ xây dựng, 50/50 đồ án quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư xã tỷ lệ 1/500 của 25 xã trên địa bàn, đạt 100%.

Đường trục xã, liên xã có 205,48 km; đường trục thôn, liên thôn có 119,2 km được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100% chuẩn theo quy định; 507,79 km đường ngõ, xóm được bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; Đường trục chính nội đồng có 980 km đã cứng hóa đạt 100%, Tổng kinh phí đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 1.891,4 tỷ đồng.

Trên địa bàn có 10 tuyến đường trục huyện với tổng chiều dài 49,241 km; 100% các tuyến đường do huyện quản lý đã được cải tạo, nâng cấp với bề rộng nền đường ≥ 6,5m được nhựa hóa đạt chuẩn, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện, phù hợp với quy hoạch được duyệt và được duy tu, bảo trì hàng năm.

Trong 10 năm, các hộ gia đình đã đầu tư xây dựng mới và chỉnh trang 8.705 căn nhà đảm bảo an toàn, bền vững, mỹ quan, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách huyện và huy động từ quỹ đền ơn, đáp nghĩa, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 1.614 hộ nghèo, 1.289 người có công với kinh phí là 315 tỷ 261 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên địa bàn là 61.045/61.045 nhà, đạt 100%.

Kinh tế huyện các năm liên tục phát triển, bình quân giai đoạn 2016 -2020 là 6,65%/năm, tăng 1,26 lần so với giai đoạn 2010-2015 (5,27%/năm). Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2020 chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng năm tăng từ 51,5% lên 55,93%; Thương mại - Dịch vụ từ 23,6% tăng lên 29,01%, Nông, lâm, thủy sản giảm từ 24,9% xuống còn 15,06%. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất là 5.821,9 tỷ đồng, đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 9.840,02 tỷ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt: 52 triệu đồng/người (tăng 37,1 triệu đồng so với năm 2010). Năm 2021, thu nhập đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, huyện phấn đấu có trên 80% HTX hoạt động hiệu quả. Phát triển sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là 200 sản phẩm. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới Thành phố năm 2025 còn dưới 0,3%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%.

Tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên đã tập trung nguồn lực, trí lực, góp công, góp sức trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đưa huyện Phú Xuyên ngày càng phát triển.

Đồng chí nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định: Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định và định hướng “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” và tại Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố đã xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn”; xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Do đó, đề nghị các đồng chí không được hài lòng, thỏa mãn với những thành tựu ngày hôm nay mà phải có khát vọng phát triển, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị. Phải biến những lợi thế tự nhiên vốn có của Huyện (là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô) thành động lực để xây dựng Huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.

Muốn làm được điều đó, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong Huyện tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Huyện cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) và Chương trình số 04 của Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả trong việc xây dựng nông thôn mới trong 10 năm vừa qua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quá trình nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Xuyên để từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để cả hệ thống chính trị cùng tiếp tục tham gia xây dựng nông thôn mới của huyện, khẳng định người dân là chủ thể, là đối tượng được thụ hưởng những thành quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch, trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị vệ tinh, Khu công nghiệp Nam Hà Nội, Cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn Huyện. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13, 14 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng, đất đai trên từng địa bàn và toàn huyện.

Xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế địa phương. Do đó, Huyện cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tuần hoàn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo vành đai xanh cho Thủ đô; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường. Phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương.

Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ. Đồng thời quan tâm phát triển thương mại - Du lịch làng nghề để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng tăng giá trị sản phẩm. Kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp, làng nghề với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, công nghiệp, đô thị.

Huyện Phú Xuyên đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới  ​ - ảnh 2

Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch huyện Phú Xuyên

Tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, công tác giáo dục; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển các làng nghề để kinh tế làng nghề trở thành động lực phát triển kinh tế của huyện… tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận thị trường và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân.

Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”. Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 theo chủ trương mà Thành phố đã thông qua.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố Hà Nội, 10 Chương trình công tác của Thành ủy và đặc biệt là quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ở địa phương.

Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở để nhân dân được tham gia đóng góp và trực tiếp thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

“Trang thông tin có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội”

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.