Kỳ 13: Ông Nguyễn Đức Tồn đạo cả... công hướng dẫn khoa học của các GS khác
PNTĐ-Thật bất ngờ là ông Tồn không chỉ đạo văn, ông còn đạo cả... cương vị hướng dẫn của các vị GS đáng kính khác!
Trong loạt bài trên PNTĐ đã nêu nhiều bằng chứng ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn, với cách thức được đánh giá là “liều lĩnh”, là “vừa tinh vi vừa trắng trợn”. Thật bất ngờ là ông Tồn không chỉ đạo văn, ông còn đạo cả... cương vị hướng dẫn của các vị GS đáng kính khác!
Việc GS.TS Nguyễn Đức Tồn bê nguyên xi hàng trăm trang của Nguyễn Thúy Khanh, Cao Thị Thu, Nguyễn Thị Thanh Hà và Huỳnh Thanh Trà vào các công trình của mình như những bằng chứng mà chúng tôi công bố trên PNTĐ và ý kiến của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, thì ông Nguyễn Đức Tồn đã “có sự tiến hóa” trong quá trình đạo văn một cách có hệ thống, từ đạo văn liều lĩnh đến đạo văn tinh vi. Tuy nhiên, sự tiến hóa của ông Tồn trong việc đạo văn sẽ là chủ đề của một bài báo khác, còn trong bài báo này chúng tôi muốn cung cấp một tình tiết mới, có thể làm thay đổi cách nhìn nhận về đạo văn, đó là việc ông Nguyễn Đức Tồn còn đạo cả cương vị hướng dẫn của người khác.
Bằng chứng là sau khi HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học họp ngày 13/6/2018, nơi ông Tồn từ chỗ bị tố cáo đạo văn lại đóng vai “quan tòa phán xét đạo văn”, ông Tồn đã vi phạm thỏa thuận của Hội đồng, tự ý công bố với báo giới cái gọi là những “giải trình” của ông ấy trong cuộc họp. Tạm bỏ qua hành động “sai quấy” này của ông Tồn, khi đọc cái gọi là “giải trình” này, chúng tôi sửng sốt thấy ông thản nhiên “đạo” công hướng dẫn của người khác.
Cụ thể, báo đăng tải khẳng định của ông Tồn như sau: “Về việc bị tố lấy bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hà đăng trên tạp chí Ngôn ngữ, ông Tồn cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà là NCS do ông hướng dẫn và đã từng đứng tên chung với GS Tồn trên nhiều bài báo”. Như vậy, ông Tồn khẳng định, ông chính là người hướng dẫn luận án cho “học trò” của mình là Nguyễn Thị Thanh Hà. Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Tìm hiểu hồ sơ ông Tồn khai trên trang web của Viện Ngôn ngữ học, cơ quan chủ quản của ông Tồn, chúng tôi không thấy tên Nguyễn Thị Thanh Hà trong danh sách những NCS do ông Tồn hướng dẫn.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết người hướng dẫn NCS Nguyễn Thị Thanh Hà là cố GS Hoàng Văn Hành, chứ không phải Nguyễn Đức Tồn. Chúng tôi đã có bản chụp QĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thứ trưởng Vũ Ngọc Hải ký, công nhận NCS Nguyễn Thị Thanh Hà là do GS.TS Hoàng Văn Hành hướng dẫn.
Quyết định công nhận NCS Nguyễn Thị Thanh Hà do GS Hoàng Văn Hành hướng dẫn và Luận văn tốt nghiệp ĐH của Cao Thị Thu do GS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn |
Có người cẩn thận nói với chúng tôi: Cần tính đến khả năng ban đầu Quyết định là giao cho GS Hoàng Văn Hành hướng dẫn, nhưng trong quá trình làm, có thể GS Hoàng Văn Hành đã đề nghị chuyển giao NCS Nguyễn Thị Thanh Hà cho ông Tồn hướng dẫn.
Thì đây, có bằng chứng là không thể có chuyện đó: Chúng tôi tìm được Đơn xin gia hạn, do cô Nguyễn Thị Thanh Hà viết tay, viết ngày 30/10/2001, ở cuối đơn có chữ ký đồng ý của GS Hoàng Văn Hành.
Theo tìm hiểu quy chế đào tạo Tiến sĩ, NCS chỉ có thể thay đổi người hướng dẫn trong một hai năm đầu, còn đến năm cuối thì không thể thay đổi người hướng dẫn. Việc NCS Nguyễn Thị Thanh Hà viết đơn xin gia hạn bảo vệ chứng tỏ GS Hoàng Văn Hành là người hướng dẫn cho Nguyễn Thị Thanh Hà từ khi bắt đầu làm luận án đến khi bảo vệ thành công.
GS Hoàng Văn Hành mất năm 2003. Về việc ông Tồn có “gan nuốt búa” cướp công hướng dẫn của GS Hoàng Văn Hành, theo nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công thì “Có lẽ ông Nguyễn Đức Tồn nghĩ rằng, người chết thì không biết khiếu kiện [...] nên ông mới có “gan nuốt búa” như vậy chăng?”.
Tuy nhiên, ông Tồn còn đạo công hướng dẫn của người khác nữa. Bằng chứng là trong sách “Đặc trưng Văn hóa - Dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” (Nxb KHXH 2008), ông Tồn viết:
“Theo phương pháp trên, chúng tôi đã hướng dẫn Cao Thị Thu tiến hành phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của trường tên gọi thực vật [114] và Nguyễn Thúy Khanh tiến hành phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của trường tên gọi động vật trong tiếng Việt...”.
Rõ ràng như vậy là ông Nguyễn Đức Tồn khẳng định: Ông chính là người “hướng dẫn” của Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh.
Tuy nhiên, một lần nữa ông Tồn lại đạo công hướng dẫn của người khác. Tra trong danh mục tài liệu tham khảo của cuốn sách, chúng tôi thấy tài liệu số [114] chính là Luận văn “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu (đại học Tổng hợp Hà Nội, bảo vệ năm 1995). Và người hướng dẫn Luận văn cho Cao Thị Thu, là GS Nguyễn Thiện Giáp, chứ không phải Nguyễn Đức Tồn.
Đến đây, độc giả sẽ ngạc nhiên tự hỏi: Chuyện hướng dẫn luận văn, luận án là chuyện giấy trắng mực đen, ông Tồn nếu là người có thần kinh bình thường, tại sao lại dám nhận vơ như vậy? Có biết bao nhà giáo cùng thời, từng tham gia giảng dạy các chuyên đề hay tham gia Hội đồng chấm luận văn, luận án của Nguyễn Thị Thanh Hà và Cao Thị Thu, và hiện vẫn còn sống, họ sẽ dễ dàng vạch ra sự nhận vơ, hết sức xằng bậy của ông Tồn. Chẳng lẽ không ai còn nhớ gì cả?
Chúng tôi đã rất băn khoăn đi tìm câu trả lời cho điều hết sức bất bình thường này? Chẳng lẽ ông Tồn là người không bình thường? Hay chẳng lẽ chỉ sau vài năm, trừ GS Hoàng Văn Hành đã mất, không ai còn nhớ gì nữa, ngay cả GS Nguyễn Thiện Giáp cũng không nhớ là mình đã từng hướng dẫn Cao Thị Thu?
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công có cách lí giải về việc này, đó là việc ông Tồn “phóng lao phải theo lao”, Hoàng Tuấn Công lí giải như sau: “Như vậy, sau khi hướng dẫn luận án cho Nguyễn Thúy Khanh, ông Nguyễn Đức Tồn đã chép lại gần trăm trang luận án của học trò để đưa vào sách của ông với cái lí ông lấy lại những gì đã từng “hướng dẫn” cho trò. Tuy nhiên, với Cao Thị Thu và Nguyễn Thị Thanh Hà - hai người không phải do ông hướng dẫn thì sao?
Vì sao hàng chục trang luận văn (của Cao Thị Thu) và toàn bộ một bài viết dài hàng chục trang khác (của Nguyễn Thị Thanh Hà) lại cũng bị ông Tồn trắng trợn đưa vào sách mang tên ông? Có lẽ, vì chứng cứ đạo văn quá rõ, ông Tồn không còn con đường nào khác là đánh bài liều, cướp công hướng dẫn luận văn và luận án của hai vị GS khả kính Hoàng Văn Hành và Nguyễn Thiện Giáp, hòng giải thích cho hành động bất chính của mình”.
Có nghĩa là ông Tồn đã “phóng lao”, khi tưởng rằng ông đã hướng dẫn Nguyễn Thúy Khanh (thật ra ông Tồn chỉ là cố vấn khoa học chứ không phải người hướng dẫn, vì bà Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ theo chế độ “đặc cách”) thì kết quả nghiên cứu của học trò cũng là của ông, ông có quyền dùng nguyên xi. Vì thế khi bị phát hiện ông đã bê nguyên xi tương tự mấy chương luận văn của Cao Thị Thu và nguyên bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà đưa vào sách của mình, làm hồ sơ xin phong tặng chức danh GS, ông Tồn buộc phải “theo lao”, tức nhận bừa công hướng dẫn của người khác.
Theo chúng tôi, vụ việc đạo văn của ông Tồn thật là hy hữu trong lịch sử đạo văn thế giới. Gọi là “hy hữu” vì ông Tồn không chỉ đạo văn để đưa vào hồ sơ xin phong GS (năm 2002 và 2006), mà sau khi được phong GS (2009), ông vẫn tiếp tục đạo văn (công trình “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại”, in năm 2013, đã được PNTĐ nêu và phân tích có đến mấy chục trang đạo văn), mà ông Tồn còn ngang nhiên đạo cả công hướng dẫn của người khác. Vì thế, thiển nghĩ, các đại học trên thế giới và Việt Nam, khi đưa định nghĩa về đạo văn và các trường hợp đạo văn, cần bổ sung trường hợp “đạo - công - hướng - dẫn - khoa - học của người khác”.
Có người hỏi: Sao bằng chứng lè lè ra đó mà ông Tồn còn dám viết đơn lên Thủ tướng đề nghị làm rõ nghi vấn đạo văn, trả lại danh dự (???) cho ông, giữ uy tín của cả ngành Ngôn ngữ học? GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Viện phó Viện Ngôn ngữ học, nguyên Thư ký HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học cho biết: “Cách của ông Tồn thường sử dụng là bới móc mọi chuyện, kể cả lí lịch ba đời của người khác để rồi lu loa, thổi phồng, quy kết chính trị, lập trường giai cấp, tư tưởng chính trị cho những ai ông cho là cản bước tham vọng quyền lực, danh vị của ông. Và ông tố cáo liên tục, kể cả khi vụ việc đã được giải quyết, kết luận ở tập thể Viện, Chi bộ, hay ở các cấp, cơ quan có trách nhiệm”. Có người trong ngành Ngôn ngữ, quá hiểu chuyện, lại than rằng, những việc như thế ông còn làm được, thì sá gì chuyện đạo văn và đạo công hướng dẫn của người khác!
Bản chất chất đạo văn của Tồn là có hệ thống, kéo dài, coi thường đạo đức khoa học, mà việc phát hiện thêm cuốn sách ông Tồn dùng để đào tạo bậc Tiến sĩ ở Học viện KHXH “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lý thuyết Ngôn ngữ học hiện đại” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội) có đến mấy chục trang đạo văn là một sự xúc phạm đến danh dự và lương tri của những nhà giáo, nhà khoa học chân chính. Sách in năm 2013, tức là năm sau khi ông Tồn đã phù phép hồ sơ để được phong GS chứng tỏ ông Tồn vẫn “ngựa quen đường cũ”, không chừa thói đạo văn mà còn nghênh ngang trước công luận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có Công văn chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải khẩn trương xử lí nghiêm minh nghi vấn ông Tồn đạo văn. Sự chậm trễ trong việc xử lý vụ đạo văn này sẽ có những di hại vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục và khoa học của nước nhà, cũng là những di hại ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Nếu đạo văn trắng trợn mà vẫn được phong GS, vẫn ngồi trong các hội đồng chấm luận án, vẫn rao giảng trên giảng đường (bằng chính giáo trình... đạo văn!) thì không có những vụ việc như sửa điểm ở Hà Giang mới lạ!
Nguyễn Minh Anh