Kỳ 5: Độc giả lên tiếng

Chia sẻ

PNTĐ-Ngay khi loạt bài dài kỳ: “Những nỗi lo không nhỏ đầu năm học mới” được khởi đăng, báo PNTĐ đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình “nói lên nỗi lòng” của phụ huynh học sinh.

 
Ngoài việc cung cấp thêm thông tin về những sự thật đáng buồn của giáo dục đang làm ảnh hưởng tương lai của hàng triệu “chủ nhân tương lai” của đất nước, độc giả còn mong muốn những “nỗi lo không nhỏ” sẽ sớm được ngành giáo dục nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp, tháo gỡ trên tinh thần “nghĩ cho học sinh, làm vì học sinh”…
 
Kỳ 5: Độc giả lên tiếng - ảnh 1
Nhiều PHHS mong muốn có một nền GD biết “lắng nghe” học sinh
 
Đồng phục không “làm khổ” học sinh: Được không?
 
Phụ huynh học sinh (PHHS) trường tiểu học Y.V, huyện Gia Lâm, HN gọi điện đến báo phản ánh: “Vừa qua, trong các khoản tiền đóng đầu năm còn xuất hiện cả khoản… mua 2 bộ đồng phục. Nhiều PHHS rất bức xức vì việc mua đồng phục hay không, và mua bao nhiêu bộ phải do PHHS tự nguyện chứ trường không thể… liệt kê sẵn rồi thu tiền như vậy. Đến khi PHHS phản ánh thì trường mới trả lời là chỉ viết thế chứ không ép”. Tương tự, PHHS có con học ở trường tiểu học Y.T, Gia Lâm cho biết, đầu năm học mới cô giáo phát luôn cho mỗi HS mang về nhà một bộ đồng phục mới. Tất nhiên, cô cũng nói gia đình nào không mua thì mang đồng phục đến trường trả lại cho cô nhưng tâm lý của nhiều PHHS thấy con đã cầm đồng phục về thì đành... tặc lưỡi mua. Nhiều người ngại trả lại cô sẽ gặp… rắc rối nên cũng thôi. Vị PHHS này kiến nghị: Trường nên để các cha mẹ tự quyết thay vì nhanh nhảu làm việc “đã rồi” như vậy.
 
Một độc giả ở quận Hai Bà Trưng, bức xúc chia sẻ sự lo lắng khi con em mình vẫn đang ngày ngày phải mặc những bộ đồng phục nóng bức. Chị kể: “Vừa qua, trường tổ chức lễ Trung thu cho HS đúng vào ngày con tôi có tiết Thể dục nên cháu phải mặc đồng phục thể dục. Suốt 2 tiếng ngồi bêu nắng dưới sân trường trong bộ đồng phục toàn nilon quả là cực hình. Trưa đó về nhà, người đầm đìa mồ hôi, cháu mếu máo nói: “Nóng nên mồ hôi của con còn chảy… cả trong đáy mắt”, tôi nghe mà xót xa vô cùng. Đến chiều cháu đã phải nghỉ học vì bị ốm vì cảm nóng. Không hiểu, các nhà cung cấp đồng phục, các trường học khi may và mua những bộ đồng phục rởm, nóng bức có nghĩ đến sức khỏe của HS không.
 
Từ Australia, chị Nguyễn Chi Lan, có con gái đang học lớp 3 tại trường Ironside State là trường top 1 tại Queensland, Australia chia sẻ: “Trường của con tôi cũng quy định HS mặc đồng phục. Những bộ đồng phục được bày bán ngay tại cửa hàng của trường. Đồng phục mới có giá 25 đô la một chiếc (áo hoặc quần soóc), 40 đô một chiếc áo mùa đông. Nhưng, trường cũng bán cả đồng phục cũ của HS các khóa trước đã mặc nhưng còn lành lặn với giá rất rẻ, chỉ 5 đô một chiếc. Cha mẹ tùy vào khả năng tài chính mà chọn mua đồng phục loại nào cho con. Đặc biệt, chất liệu để may đồng phục được nghiên cứu rất kỹ về độ thấm hút mồ hôi, co giãn… để tạo sự thoải mái khi mặc cho trẻ. Vì thế, PHHS của trường chưa bao giờ phải lo lắng về bộ đồng phục của các con”.
 
Không để đồng phục làm khổ học sinh cũng là câu chuyện của chị Minh Nhàn, PHHS có con gái đang học tại trường tiểu học xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết: “Trường con gái tôi cũng có đồng phục nhưng mẫu mã đơn giản, dễ tìm, dễ may và giá cũng rẻ. Điều đặc biệt tuy có đồng phục nhưng trường không bắt buộc PHHS phải mua đúng mẫu mà các con có thể chỉ cần mặc áo trắng, quần xanh sẫm màu đến trường cũng được. Nhờ thế, các em nhỏ trong gia đình nghèo có thể tận dụng những chiếc áo trắng, quần tối màu sẵn có mặc đến trường mà không phải lăn tăn thiếu tiền mua đồng phục”.
 
Có thể thấy, cùng với chủ trương mặc đồng phục nhưng vẫn có những cách làm tạo điều kiện thuận lợi cho HS và gia đình các em.

Giảm tải: Đừng chỉ nói suông
 
Tình trạng HS phải “cõng” sách đến trường cũng khiến rất nhiều PHHS phải lo lắng. Một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Thanh Xuân gọi đến báo kể: có hôm, con tôi phải học các môn như tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và xã hội, Ngoại ngữ, Mỹ thuật và Thể dục nên phải mang 8 quyển sách: tiếng Việt, bài tập tiếng Việt, Toán, bài tập Toán, Tự nhiên và xã hội, vở bài tập Tự nhiên và xã hội, sách tập vẽ (Mỹ thuật), sách học Ngoại ngữ, sách bài tập Ngoại ngữ và 4, 5 cuốn vở cho tất cả các môn học nêu trên. Tôi đã thử cân cặp của con thì cặp nặng tới gần 5kg. Điều đáng nói là tình trạng này đã xảy ra quá nhiều năm mà không ai quan tâm, xử lý”. Vị PHHS này ở đang ở tầng 5 tại một khu tập thể cách trường 600 mét. Ngày ngày bà phải cùng cháu đi bộ đến trường chỉ để… xách hộ cặp cho cháu. “Hôm nào con tự đi một mình thì phải hơn nửa tiếng mới về tới nhà, con nói cặp sách quá nặng, phải vừa đi vừa nghỉ”.
 
Cách đây ít năm, các bác sĩ ở Tây Ban Nha từng đưa ra công trình nghiên cứu phân tích tác hại của việc đeo cặp nặng, cho thấy các học sinh mang cặp sách nặng nhất có nguy cơ bị đau lưng cao hơn 50% và nguy cơ bị bệnh cột sống cao hơn 42% so với các bé mang cặp trọng lượng bình thường. Các bác sĩ cũng khuyến cáo HS không nên mang cặp sách có trọng lượng vượt quá 10% trọng lượng cơ thể. Vì dụ, trẻ nặng 30kg không nên mang cặp nặng quá 3kg. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HS đang phải mang cặp nặng tới 6,7kg - nặng gấp 2,3 lần mức được khuyến cáo này.
 
Được biết, Bộ GD-ĐT đã hai lần tổ chức khảo sát cặp HS vào năm 2003 và 2007. Kết quả có những chiếc cặp của HS tiểu học nặng đến 4-5kg, trong khi HS chỉ nặng 14-15kg. Sau hai lần cân cặp, Bộ GD-ĐT đã có dự kiến cần có tiêu chuẩn… cặp sách. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, góp phần gây nên tình trạng HS đang phải “cõng” sách đến trường lại chính từ lỗi của ngành GD khi xuất bản những đầu sách không hợp lý, điển hình là cuốn vở bài tập in sẵn chỉ làm một lần rồi vứt bỏ.
 
Chị Thanh Hương, một độc giả của báo kiến nghị: “Việc giảm tải cặp HS không nên nói suông mà phải có giải pháp cụ thể, đi từ gốc vấn đề. Trước tiên, HS, nhất là HS tiểu học chỉ cần một cuốn vở ghi nhiều môn phụ vì thực tế, có nhiều môn viết chẳng bao nhiêu nên hết năm học, vở chỉ ghi hết vài trang. Ngành GD cũng nên giảm bớt chương trình, trình bày SGK gọn nhẹ lại và đặc biệt là bãi bỏ ngay loại vở bài tập in sẵn”.

Hãy “lắng nghe và cảm thông” học sinh
 
Trong các ý kiến gửi tới báo, rất nhiều cha mẹ HS tỏ ý lo lắng với tình trạng con em mình… sợ đi học, sợ cô giáo, sợ không dám thể hiện sự khác biệt với bạn bè. Chị Linh, PHHS ở quận Long Biên cho biết: “Tình trạng chung của các HS hiện nay là con sợ… cô giáo hơn sợ cha mẹ. Một lần, vì trời mưa mà đồng phục của con giặt chưa kịp khô, mình nói với con mặc tạm đồng phục thể dục và sẽ nhắn tin xin phép cô giáo. Nhưng con sợ, kiên quyết mặc cả đồng phục ướt chỉ vì… sợ bị cô trừng phạt. Một lần khác, cô dặn HS mang bánh kẹo đến lớp để liên hoan. Nhà có sẵn hoa quả tươi nên mình nói con mang hoa quả đi cũng được. Vậy nhưng con khóc lóc, đòi mẹ bằng mọi giá cũng phải mua bánh kẹo vì sợ sai lời cô dặn.  Nỗi sợ hãi đã biến con trở nên thụ động như vậy”.
 
Cô giáo Lê Thị Lượng, giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Khi mới vào nghề, một thầy giáo cũ đã dạy cho cô 3 bài học nằm lòng của nghề giáo. Đó là giáo viên phải có kỹ năng viết bài trên bảng. Chữ trên bảng có ngay ngắn, thẳng hàng thì HS mới cảm thấy cô giáo giảng bài nghiêm túc. Thứ hai, cô giáo không bao giờ được gọi HS là “anh”, “chị” trong mọi tình huống mà chỉ được gọi em (con) xưng thầy (cô). Thứ ba, cô giáo không được mắng HS là ngu dốt, vì như vậy là cô đã xúc phạm học trò. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thầy cô đã thiếu kỹ năng ứng xử sư phạm với học sinh.
 
Sự khắc nghiệt của thầy cô trong việc trừng phạt học sinh, việc phải học quá nhiều đã khiến cho HS hiện nay sợ đi học và không dám bày tỏ chính kiến của mình. Chị Nguyễn Chi Lan cho biết thêm: “Khi sang Australia, tôi mới thấy cách giáo dục ở đây rất khác với ngày tôi còn đi học. Trước, tôi chỉ biết lời cô giáo là thánh lệnh. Còn ở đây, con tôi từ nhỏ đã được khuyến khích nói lên suy nghĩ của mình. Các con được thoải mái thể hiện bản thân và cô giáo tôn trọng từng sự khác biệt ấy. Các con được để sách vở tại lớp, không có bài tập về nhà nên sau giờ tan học thoải mái chơi, phát triển thể chất”. Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, từng tham gia phòng tâm lý học đường Tuổi Hồng cho biết: Trong giáo dục, nguy hiểm nhất là đào tạo ra những sản phẩm chỉ biết cắm mặt vào học, luôn cam chịu, khô cứng và chỉ biết tuân lệnh người khác thay vì dám nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình.
 
Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Minh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Không có một dây chuyền sản xuất nào có thể sản xuất ra những sản phẩm giáo dục hoàn hảo như nhau. Làm giáo dục, có nghĩa là phải đương đầu với thách thức, nhưng lại chỉ có thể dựa vào bản thân, phải hiểu biết về con người nói chung, nhưng lại không được phép bỏ qua mỗi cá thể. Điều quan trọng nhất, nền tảng của tất cả, luôn là một sự lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng và cảm thông học sinh”.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

(PNTĐ) - Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” là một trong những sự kiện lớn chào mừng đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Điện Biên chủ trì thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Ký ức Điện Biên năm xưa

Ký ức Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến những trận đánh sân bay Mường Thanh, bảo vệ vùng trời Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng pháo binh, súng máy phòng không, ánh mắt Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa (hiện đang sống tại thôn C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lại sáng ngời.
Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trao tặng các công trình, phần việc ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cán bộ hội viên phụ nữ và người dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.