Liên kết – “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở huyện Mỹ Đức
(PNTĐ) - Ngày 2/8, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Dự và chủ trì Diễn đàn có Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội Đoàn Đức Dân; đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu rau quả, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hòa Bình, Viện giải pháp kỹ thuật nông nghiệp bền vững...
Về phía huyện có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai; Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang; lãnh đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể của huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; đại diện Hội đồng quản trị các HTX nông nghiệp cùng gần 200 hộ kinh doanh, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trong huyện.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh. Xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản chiếm vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Xác định đây là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.
Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn
Là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, Hà Nội xác định phát triển chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô là giải pháp quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như những biến động từ thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình để duy trì tăng trưởng. Trong đó có việc chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp kết nối thị trường. Nên dù đối diện nhiều khó khăn, hầu hết các lĩnh vực chính của ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Thành phố cũng chú trọng quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm. Thông qua các sự kiện, Hà Nội đã quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô nói chung đến người tiêu dùng; đồng thời phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, khai thác sản phẩm thế mạnh của các địa phương khác.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và đang duy trì tốt 926 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn. Điển hình như: Chuỗi gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), thịt lợn A-Z thuộc HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), nấm Kim châm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), rau an toàn xã Văn Đức (huyện Gia Lâm)... Giá trị từ chuỗi liên kết mang lại rất lớn nhưng tính bền vững hiện nay lại chưa thực sự cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang phát biểu tại Diễn đàn
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang nhấn mạnh: Mỹ Đức được quy hoạch là vùng đai xanh của thủ đô Hà Nội. Huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất nông nghiệp là nền tảng, du lịch – dịch vụ là mũi nhọn. Vì vậy, trong những năm qua, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, VietGAP, sản phẩm hữu cơ, trong đó cây lúa vẫn là chủ lực với khoảng hơn 7.000ha diện tích sản xuất lúa/vụ; kết hợp với trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây dược liệu và chú trọng sản xuất đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản ổn định để cung cấp ra thị trường.
Hiện nay, toàn huyện có 50 sản phẩm nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và VietGAP, trong đó có 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đã góp phần nâng cao vị thế hàng hóa, nông sản, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu biểu như: sản phẩm nấm Kim Châm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đạt tiêu chuẩn 4 sao; các sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm và tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do nghệ nhân Phan Thị Thuận tạo ra đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản; sản phẩm bưởi diễn Bột Xuyên đạt OCOP 3 sao; sản phẩm khăn mặt, khăn bông Boha của Công ty TNHH Dệt may Thành Long đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; các sản phẩm gạo TH8 của HTX Nông nghiệp Hồng Sơn; sản phẩm rau sắng Chùa Hương đạt tiêu chuẩn VietGAP...
Ông Lê Văn Trang cũng chỉ ra rằng, tại huyện Mỹ Đức quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm sản xuất theo mùa vụ, không thường xuyên; việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn…. Đây là một trong nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các HTX và nông dân trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Mỹ Đức trong thời gian qua.
Để sản phẩm nông nghiệp có thể đến được với thị trường, huyện Mỹ Đức rất cần các chuyên gia, sở, ngành hỗ trợ quảng bá, kết nối, hoàn thiện chuỗi liên kết... Do đó, diễn đàn có ý nghĩa lớn trong việc kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối/tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đưa các sản phẩm nông nghiệp vươn rộng ra thị trường.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Nông nghiệp Hương Sơn, xã Hương Sơn
Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp hoạt động thành công trong lĩnh vực nông nghiệp đã thông tin về vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, những mô hình thành công trong thực tiễn sản xuất.
Còn đối với nông dân, các chủ doanh nghiệp thì mong muốn Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện cho người dân về nguồn vốn và đẩy nhanh việc liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con để người nông dân có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Người nông dân mong muốn nhà nước và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cần phải có định hướng phát triển sản xuất cho bà con để người nông dân không còn phải đối mặt với cảnh được mùa thì rớt giá.
Các ý kiến phát biểu của các hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực của huyện đều nhận thấy khó khăn lớn nhất của bà con nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản một phần là thiếu kiến thức khoa học, thiếu vốn đầu tư, thiếu cơ chế chính sách, đặc biệt là thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Huyện Mỹ Đức có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng nhưng do trình độ công nghệ thông tin, kết nối quảng bá sản phẩm của nông dân còn hạn chế, dẫn tới người nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng không bán được, giá thành thì thấp, khiến cho người dân chán nản, không muốn đầu tư lớn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Đây lại là một rào cản, khó khăn trong việc sản xuất cũng như đưa doanh nghiệp về để liên kết, tiêu thụ mua nông sản cho bà con nông dân. Hơn nữa, việc liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và ngân hàng còn lỏng lẻo.
Tại diễn đàn, các đơn vị, gồm: Viện giải pháp kỹ thuật nông nghiệp bền vững, Công ty An Việt Group, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hòa Bình và Công ty Nông sản Thuận Thiên đã tham gia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản với đại diện các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”