Người dân mong muốn sau lễ khởi công, Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ thực hiện đúng tiến độ
(PNTĐ) -Sáng 25/6, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố mà còn của huyện nói riêng. Đường Vành đai 4 được đánh giá là tuyến đường huyết mạch, tuyến đường phát triển kinh tế của cả nước, cũng như của huyện Sóc Sơn sau này.
Dự án góp phần kết nối các tuyến đường ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nôi với các huyện của Hà Nội cũng như các tỉnh ở Hưng Yên và Bắc Giang. Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4 rất được người dân huyện Sóc Sơn mong chờ.
Ông Ngô Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, huyện sóc Sơn: Dự án đường vành đai 4 là công trình trọng điểm của quốc gia, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm. nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về giải phóng mặt bằng của dự án, chúng tôi đã thành lập Ban quản lý dự giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi lấy công tác tuyên truyền đến mỗi người dân trên địa bàn làm nhiệm vụ chủ đạo, nhờ đó đến thời điểm khởi công dự án chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất triển khai dự án cho nhà nước.

Đến nay Hà Nội tổ chức lễ khởi công, nhân dân trên địa bàn rất hào hứng, phấn khởi. Chúng tôi cùng toàn bộ người dân mong đợi dự án sớm được triển khai, và công tác thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra để nhân dân xã Tân Dân, xã Thanh Xuân, cũng như huyện Sóc Sơn và các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội được hưởng công trình trọng điểm quốc gia này.
Một trong những người dân tại thôn A, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất để phục vụ Dự án Vành đai 4, ông Nguyễn Tiến Cử cho biết: Từ khi nhân dân Trung Na nói riêng, nhân dân xã Thanh Xuân nói chung được nghe về dự án đường vành đai 4, nhân dân trong thôn rất phấn khởi với chủ trương của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đưa đường về với nhân dân. Vì chúng tôi xác định giao thông đi đến đâu thì đời sống nhân dân phát triển đến đó. Ngay khi được lãnh đạo xã tuyên truyền về dự án, chúng tôi và nhiều người dân trong thôn rất đồng tình, ủng hộ và đã bàn giao đất cho dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo cán bộ xã rất nhiệt tình, tâm huyết tổ chức họp với dân nhiều lần, tạo điều kiện cho bà con hiểu biết thông suốt và ủng hộ dự án. Gia đình tôi là hộ gia đình giao tới 80% tương đương 2.000 m2 đất nông nghiệp diện tích phải thu hồi, mong dự án triển khai nhanh chóng, đảm bảo đúng kỹ thuật, chất lượng để khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Là người dân đến từ xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, ông Nguyễn Văn Giới chứng kiến lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn phấn khởi chia sẻ, khi biết Dự án Vành đai 4 đi qua địa phương, người dân chúng tôi rất vui mừng, bởi giao thông phát triển tới đâu, kinh tế sẽ phát triển tới đó. Vùng đất Mê Linh có nghề trồng hoa đào và nông sản, việc hình thành con đường mới sẽ góp phần thuận tiện vận chuyển, buôn bán đi khắp nơi, người dân sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên.
Gia đình ông Giới có hơn 800 m2 đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện Dự án Vành đai 4, ngay từ cuối năm 2022, ông Giới đã bàn giao đất cho chính quyền và nhận đền bù với số tiền 700 triệu đồng. Số tiền này ông chia cho các con và một phần mua đàn bê để làm kinh tế.

Người dân đều mong muốn Dự án Vành đai 4 sẽ thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và sớm đi vào hoạt động, đồng thời kiến nghị các cấp chính quyền xem xét có giải pháp hỗ trợ cho các hộ gia đình có diện tích đất bị thu hồi nhiều được Chính phủ và thành phố khắc phục khó khăn về kinh tế, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân.
Đánh giá về những khó khăn, thuận lợi thực hiện Dự án Vành đai 4, Đại tá Võ Khắc Hùng - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 Tổng công ty Trường Sơn cho biết: Về nguồn vật liệu, có những khó khăn nhất định như trữ lượng mỏ đất, mỏ cát chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu của dự án. Trữ lượng trong mỏ có, nhưng sản lượng chưa đủ; việc vật tư, vật liệu cũng là 1 vấn đề chúng tôi cần quan tâm. Với những khó khăn về vật tư vật liệu đó, nhà thầu chúng tôi đã chủ động tìm kiếm nguồn vật tư, vật liệu đáp ứng đúng chất lượng của dự án để thay thế những vật tư, vật liệu không có. Tuy nhiên, để tìm được những nguồn vật tư, vật liệu đó thì giá thành sẽ bị đội lên do khoảng cách, cự ly không như tính toán ban đầu của nhà thầu, cũng như Ban quản lý dự án thành phố đã tính trong dự toán ban đầu. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị tháo gỡ khó khăn về mỏ vật tư, vật liệu để đáp ứng được tiến độ cũng như hiệu quả nhà thầu sẽ tốt hơn.

Đến thời điểm này, thuận lợi của dự án là thành phố đã chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, trong các dự án mà chúng tôi tham gia thì dự án này của Hà Nội mặc dù chưa được 100% nhưng đã cơ bản đáp ứng đủ mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công được ngay. Ngoài ra, yếu tố về hỗ trợ trong công tác thi công của Ban quản lý dự án thành phố rất tốt. Nhà thầu chỉ gặp vướng mắc trong tìm các mỏ cho phù hợp với chất lượng của dự án.
Với những thuận lợi như vậy, Tổng công ty Trường Sơn Binh đoàn 12 có truyền thống là công binh cầu đường. Chúng tôi đã làm các tuyến cao tốc nên việc huy động máy móc, nhân lực đối với chúng tôi không có khó khăn, huy động cơ bản đủ nhân lực, vật lực phục vụ tốt Dự án.