Nhà văn Tô Hoài – Người thầy của tôi

Chia sẻ

PNTĐ-Nhà văn Tô Hoài - một người THẦY của tôi trong nghề văn, nghề báo. Khi viết những dòng này, lòng tôi rưng rưng xúc động...

 
Nhà văn Tô Hoài – Người thầy của tôi - ảnh 1
Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài yêu quý
 
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, là phóng viên của báo Hà Nội Mới phụ trách phần văn nghệ, tôi đã nhiều lần gặp nhà văn Tô Hoài để viết về ông và các vấn đề của văn chương thành phố. Dạo đó vợ chồng tôi được cơ quan cho ở nhờ căn phòng trên gác 4 của báo, nhìn ra Hồ Gươm. Thỉnh thoảng đi bộ thủng thẳng quanh hồ, nhà văn ghé qua, khi thì chuyện trò với chồng tôi về Tây Bắc và miền núi, khi thì rủ tôi đi quanh Hồ Gươm. Những dịp như vậy tôi đã được nhà văn cho biết rất nhiều về Hồ Gươm và Hà Nội. Bác Tô Hoài hỏi: “Cô biết cây lộc vừng chưa? Cả cây mõ, rồi cây si, cây xanh... nữa? người ta cứ bảo Hồ Gươm là hồ liễu, nhưng có phải đâu...”.
 
Dạo đó đúng là quanh Hồ Gươm chỉ có độc nhất một cây liễu. Thế là bác và tôi đi vòng quanh hồ, và tôi đã biết từng loại cây ở đây mà nhà văn Tô Hoài quen thuộc từ khi còn nhỏ. Về lại trước cửa báo Hà Nội Mới, thấy bác cứ nhìn mãi một cây nghiêng xuống hồ mà không nói đó là cây gì, tôi bèn cười: “Đó là cây Ô Môi mới đem từ Sài Gòn ra đấy ạ!”. Bác cũng cười: “Từ nãy tôi cứ giải thích cho cô, hóa ra cô biết cả rồi! Giỏi! Biết im lặng nghe là một phẩm chất của nhà văn cô ạ” - “Em không biết thật mà”... Đại loại vậy. Tôi nhớ trong các câu chuyện phiếm, nhà văn đã giúp tôi nhớ mấy phẩm chất của một người cầm bút: Biết lắng nghe - chân thành - tò mò - chăm chỉ và giản dị... Cho đến nay, tôi vẫn cố gắng làm theo.
 
Trong Hội nhà văn Hà Nội, có chàng đi đến đâu cũng rút thẻ nhà văn ra, tự giới thiệu về mình rồi đọc thơ cho mọi người nghe, nhà văn nói nhỏ với tôi: “Văn thơ hay không cần quảng cáo cô ạ. Mọi sự chê bai, tâng bốc hay cãi vã, dìm hàng nhau trong văn chương đều vô ích. Độc giả và thời gian mới là nhân chứng công bằng nhất”. Và cho đến nay, tôi nghiệm thấy các nhà văn thật sự đều giản dị, không hề phô trương.
 
Nhà văn còn dặn tôi: “Nghề văn không phải cứ chơi chơi mà được. Tôi thấy cô cứ viết ào ào, không cân nhắc lắm về câu chữ. Mỗi người một cách viết, nhưng phải chịu khó quan sát, ghi chép, chịu khó lắng nghe. Đừng bao giờ tỏ ra ta giỏi hơn người đối diện. Nghề văn cần nhất là chi tiết, mà chi tiết thì chỉ có trong đời sống thực, không phịa ra được cô ạ. Những điều nhỏ nhặt hằng ngày, cô cứ ghi lại, có khi nhiều năm sau bất ngờ cô sẽ cần đến”. Và tôi đã có vài cuốn sổ GHI NHĂNG mà bây giờ, đôi khi giở ra đọc lại, tôi bỗng nhớ lại cả một câu chuyện, một tình huống đã qua của cuộc đời mình. Thế là bỗng nhiên viết được.
 
Làm việc cùng nhà văn Tô Hoài ở Hội Văn nghệ Hà Nội, rồi báo Người Hà Nội, nơi mà tôi đã viết một câu trong bài thơ “YÊU ĐỜI”: “Cơ quan quanh năm đấu đá” có nhiều chuyện rất buồn cười, ví dụ một số bạn làm đơn “tố cáo” Chủ tịch Hội - nhà thơ Bằng Việt - bỗng dưng ký cả tên tôi vào. Bác Tô Hoài cười: “Trò trẻ ranh, kệ bọn nó. Ai thế nào anh em biết cả cô ạ”. Và đôi khi cơ quan “đấm đá” ghê quá, bác lại vào nằm viện. Khi tôi vào thăm, bác cười: “Tuổi tôi bây giờ, cứ đi khám là họ cho vào viện. Để các cô các cậu tự giải quyết cho... mau trưởng thành mà!”
 
Nhà văn rất hóm hỉnh và rất khôn ngoan. Có lần, hồi còn ở báo Hà Nội Mới, tôi viết về nhà văn, có câu phỏng vấn: “Em nghe nói anh rất khôn ngoan trong đời sống, có đúng không ạ?” Bác cười: “Cô bảo, ngần này tuổi rồi, không khôn ngoan làm sao sống đây? Tôi không bị vụ Nhân văn giai phẩm là may lắm đó. Nhưng chỉ khôn ngoan trong văn chương thôi, chứ đời thực thì tôi xoàng lắm... Có nhà văn được nhà cao cửa rộng, còn tôi, vẫn sống ở căn nhà trong ngõ mua từ trước 1954, bằng nhuận bút cuốn Dế mèn đó cô.”
 
Cho đến cuối đời, nhà văn Tô Hoài vẫn giản dị, và khi còn cầm bút được bác vẫn chăm chỉ đọc và viết. Dạo năm 2011, đến thăm nhà văn ở với con gái (chị công tác trong ngành y tế) để tiện chăm sóc, tôi thấy bác vẫn ngồi bên bàn làm việc. Bác vẫn viết bằng bút máy và đọc báo giấy. Nét chữ của nhà văn nhỏ, đều và các trang tiểu thuyết của bác chi chít sửa đi sửa lại bằng hai, ba thứ mực. Nhà văn cũng tặng tôi vài cuốn của các tập sách bác viết tay và đã xuất bản như MỴ CHÂU- NHÀ CHỬ. Bác dặn: “Khi nào rỗi, cô đọc xem tôi viết vất vả thế nào. Không có ào ào như cô đâu nhé!”
 
Nhà văn Tô Hoài - một người THẦY của tôi trong nghề văn, nghề báo. Khi viết những dòng này, lòng tôi rưng rưng xúc động. Bác là một trong những nhà văn thuộc THẾ HỆ VÀNG của văn chương Việt mà tôi có may mắn được sống gần, cùng làm việc, được trò chuyện và đã học được rất nhiều về cách sống, cách viết , cách làm người. Vĩnh biệt nhà văn yêu quý.Hà Nội 7/7/2014
 
 Lễ tang nhà văn Tô Hoài (1920-2014) tổ chức từ 9h-11h ngày 13/7/2014 (Chủ Nhật) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng tại nghĩa trang Thanh Tước.
 
 Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Tin cùng chuyên mục

Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Ngày 14/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI” năm 2025 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1

Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1

(PNTĐ) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 20 ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Hà Nội gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô

Hà Nội gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô

(PNTĐ) - Chiều 11/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).
Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số ban, bộ, ngành liên quan. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.