Chào mừng 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023)
Nối dài dấu son lịch sử Thủ đô anh hùng
(PNTĐ) -Ngày 10/10/1954 là một dấu son lịch sử đánh dấu thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới. Đồng thời mở ra một thời kỳ mới cho đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Tinh thần kháng chiến Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của Thủ đô
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Tuy nhiên, thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Thành phố an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu kiên cường, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ,công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu. Đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao Thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. 20 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản Thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng.
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng bắt tay vào khôi phục và cải tạo Thành phố. Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước.

Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng 12 ngày đêm là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Phát triển mạnh mẽ bằng những tầm nhìn, chiến lược
Bước vào thời kỳ đổi mới, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra những tầm nhìn, chiến lược, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, phát triển bền vững. Xây dựng vào quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. An ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng.
Ngày 1/8/2008, Hà Nội tiếp tục đánh dấu một dấu son lịch sử mới, mở ra một thời kỳ phát triển mới của Thủ đô.Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích tự nhiên hơn 3.300 km2, dân số hơn 6,2 triệu người. Việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo đà cho Hà Nội phát triển thêm một tầm cao mới.

Đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quy mô kinh tế Thủ đô đạt xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 và tương đương với 1/8 quy mô kinh tế cả nước (khoảng 409 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước Thành phố tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên vượt 332 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 cả nước. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách Thành phố đạt 220.000 tỷ đồng.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3,5 lần năm 2008. Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố là 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số. Đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.
Dù trong quá trình phát triển, Thành phố vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những bước phát triển của Hà Nội đạt được đã minh chứng cho những chiến lược và quyết sách đúng đắn. Hà Nội đã thay đổi lớn về diện mạo đô thị và nông thôn. Hệ thống giao thông của Thru đô đang dần được đồng bộ và khép kín bằng nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư xây dựng.

Để nâng tầm phát triển thêm một tầm cao mới, hiện nay Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn. Đó là: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện.
Vượt qua những thách thức, khó khăn, Hà Nội đang ngày một xứng đáng với vị trí đầu tàu, trái tim của cả nước. Từ những bước phát triển mạnh mẽ, năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký bằng tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Với các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”… vị thế của Hà Nội đã được nâng cao không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế; trở thành điểm đến yêu thích, hòa bình của bạn bè, du khách quốc tế.