Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đạt giải Nhất giải thưởng “Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường”
(PNTĐ) -Loạt bài 5 kỳ "Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn" của nhóm tác giả Thanh Thanh, Hồng Nhung, Quỳnh Anh đã đạt giải Nhất loại hình báo in trong khuôn khổ giải thưởng báo chí “Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức.
Ngày 29/3/2023, tại Hà Nội, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” và Lễ trao giải thưởng báo chí “Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường”. Bên cạnh việc tổng kết những kết quả đạt được của dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”, những tác phẩm xuất sắc nhất của các phóng viên về chủ đề rác thải nhựa cũng được vinh danh trong sự kiện này.
Hội thảo có sự tham dự của gần 90 khách mời đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà nghiên cứu, mạng lưới hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các nhà báo và các cơ quan báo chí/ truyền thông.
Ô nhiễm Rác thải nhựa (RTN) là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam do IUCN, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Sáng kiến Life Cycle xuất bản hợp tác cùng EA, Quantis, trong năm 2018 Việt Nam có 453kt rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương, tương đương với lượng rác rò rỉ là 4.7 kg/người/năm.
Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của RTN đối với môi trường và con người, nhà nước đã được ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Báo chí cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy các sáng kiến/giải pháp, chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng cũng như hỗ trợ thực thi chính sách ở các cấp độ khác nhau liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa.
Hội thảo “Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” vào ngày 29/3/2023 tại Hà Nội được thực hiện trong khuôn khổ (1) Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), một nền tảng huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường, được đồng sáng lập bởi IUCN, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Tập đoàn TH và (2) dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” do VSF thực hiện với sự tài trợ của Mạng lưới Báo chí Toàn cầu và Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam. Dự án được xây dựng dựa trên bối cảnh ô nhiễm nhựa tại Việt Nam đang ở mức báo động. Cùng với đó, nhiều phóng viên nữ chưa có được cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia bình đẳng trong lĩnh vực điều tra về môi trường.
Trong vòng 1 năm từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, với 10 hoạt động được tổ chức; 11 chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, môi trường đã tình nguyện tham gia vào Ban cố vấn của dự án; 32 phóng viên đến từ hơn 20 cơ quan báo chí tham gia Mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; 71 bài báo và tin truyền hình đăng tải về các hoạt động của dự án; 360 bài viết truyền thông trên các kênh truyền thông của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tiếp cận 493.445 người và 119.121 lượt tương tác, dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ mạng lưới phóng viên nữ cũng như các bên liên quan và cộng đồng.
Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm Vóc Việt cho biết: “Bên cạnh việc tổng kết những kết quả đạt được của dự án, chúng tôi cũng mong muốn những ý kiến đóng góp và các giải pháp hiệu quả trong truyền thông về rác thải nhựa của các khách mời sẽ mở ra nhiều chủ đề khai thác cho các phóng viên. Từ đó, việc truyền thông về môi trường được thực hiện hiệu quả hơn, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và hình thành thói quen về lối sống phát triển bền vững”.
Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” được thành lập từ dự án đã phát huy hiệu quả khi các thành viên được tập huấn, hỗ trợ và tích cực thực hiện các tuyến bài về chủ đề này.
Chị Đỗ Thùy Trang – Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: “Với sự hỗ trợ của dự án, trong năm 2022, em đã thực hiện được nhiều đề tài liên quan đến vấn đề này, trong đó đặc biệt là tuyến bài về hệ lụy ô nhiễm nhựa đại dương tại Đảo Ngọc – Phú Quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Em nghĩ rằng mạng lưới là một nguồn cảm hứng rất lớn đối với các phóng viên nữ, quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là các đề tài về ô nhiễm nhựa”.
Cũng tại sự kiện, 11 giải thưởng đã được trao cho các nữ phóng viên và nhóm phóng viên trong khuôn khổ giải thưởng “Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường” - một trong 10 hoạt động của dự án. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất vượt qua 57 tác phẩm dự thi thuộc 4 hạng mục là Báo in, Báo Điện tử, Phát thanh, Truyền hình từ các nữ nhà báo/phóng viên trên toàn quốc.
Giải thưởng là sự ghi nhận những thành tựu, đóng góp của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường; đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc phổ biến và khuyến khích cộng đồng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.