Quận Hà Đông phải quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ
(PNTĐ) -Chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Quận ủy Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo phải xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ; giải quyết các vấn đề tồn đọng như đất dịch vụ; tăng cường tiếp, đối thoại với công dân để giải quyết đơn thư, khiếu tại tố cáo; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời tập trung đầu tư ưu tiên vào 3 lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế...
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, năm 2023, quận Hà Đông đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có 9 chỉ tiêu đánh giá theo năm và 14 chỉ tiêu đánh giá được trong 6 tháng đầu năm. Kết quả, 6 tháng đầu năm, quận đạt 11/14 chỉ tiêu theo kế hoạch.
Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận đạt kết quả tương đối toàn diện trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; dự kiến, đến cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành 18/18 chỉ tiêu. Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt cao so với những năm trước như thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo…
Tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân đề nghị UBND Thành phố xem xét khoản thu tiền sử dụng đất theo hướng: Tiền thu sử dụng đất sau khi trừ chi phí GPMB và đầu tư hạ tầng được nộp ngân sách Nhà nước và phân chia theo tỷ lệ quy định. Đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất hướng dẫn quận rõ hồ sơ, tài liệu để đăng ký danh mục các dự án thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, tạo điều kiện cho quận thực hiện xã hội hóa đầu tư xây mới các chợ dân sinh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhìn nhận, quận Hà Đông vốn trước là thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm văn hóa, chính trị hành chính của tỉnh Hà Tây trước đây; xét về quy mô, tính chất, văn hóa, lịch sử, địa chính trị chính là thế mạnh, là động lực để phát triển khu vực phía Tây thành phố.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, quận Hà Đông quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ chưa thỏa đáng. Đội ngũ cán bộ, trong đó có vai trò người đứng đầu các phòng của UBND quận chưa đồng bộ về chuyên môn, một số vị trí chưa bảo đảm năng lực quản lý, điều hành.
“Nhìn từ hiệu quả giải tỏa vi phạm trật tự đô thị và công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vừa qua có thể thấy, không phải quận không làm được, mà cốt lõi là sự chủ động, quyết tâm, không chờ hướng dẫn của cấp trên”, đồng chí Vũ Đức Bảo nói.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hà Đông không những là quận mà còn là trung tâm văn hóa, kinh tế của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây; nhưng hiện nay các thiết chế văn hóa của quận gần như không có gì, nhìn rộng ra thì cả huyện Thanh Oai, Chương Mỹ cũng tương tự. Do đó, sắp tới, khi làm quy hoạch, quận và Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải quan tâm bố trí xây dựng các thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ riêng cho quận mà còn phục vụ cho cả khu vực phía Tây.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, hiện nay có 1 thiết chế văn hoá do Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội quản lý là Trung Tâm văn hoá tại phố Phùng Hưng hiện không sử dụng. Từ đó, kiến nghị TP nên giao cho quận Hà Đông quản lý để khai thác và sử dụng.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, vị trí vai trò của quận Hà Đông như vậy, nên ngay cả trong đề xuất, kiến nghị phải tính toán cho xứng tầm, có sản phẩm cụ thể. Đơn cử như Khu công viên văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao, quận Hà Đông phải đề xuất và quyết tâm làm và hoàn thành trong nhiệm kỳ này vì người dân rất chờ mong.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khách quan nhìn lại quận đã làm được nhiều việc, nhất quyết tâm thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô qua địa bàn quận; tháo gỡ khó khăn thực hiện Trạm bơm Yên Nghĩa…
Tuy nhiên, thời gian tới, quận làm tốt các dự án BT; rà soát lại toàn bộ quỹ đất liên quan đến xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị trên địa bàn; triển khai sớm GPMB để triển khai các dự án giao thông…
Đồng chí yêu cầu các sở, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tập trung giải quyết các kiến nghị của quận theo thẩm quyền, trước hết là tập trung hoàn thành việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất 2 dự án quận kiến nghị (Dự án An Hưng và Dự án trung tâm thương mại khu đô thị Mỗ Lao).
Đối với Dự án Khu công viên văn hóa của quận, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sẽ sớm báo cáo Thường trực Thành ủy để giao cho quận làm chủ đầu tư, phấn đấu hoàn thành thủ tục để sớm khởi công.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, thời gian tới, quận Hà Đông cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kết nối; xử lý các vấn đề về trật tự xây dựng, quản lý đất đai; xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai như dự án Bệnh viện quốc tế, Khu đô thị Đồng Mai; nhanh chóng đề xuất cải tạo 15 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn; tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ...

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị quận nghiên cứu, đề xuất giải pháp làm "sống lại" sông Nhuệ đang ô nhiễm nghiêm trọng.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trên các mặt công tác của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả có nhiều chuyển biến tích cực và tín hiệu đáng phấn khởi trên nhiều lĩnh vực.
Khẳng định quận Hà Đông có bề dày truyền thống lịch sử, có vị trí địa lý quan trọng, giao thông thuận lợi là trung tâm phía Tây Nam Thủ đô rất thuận lợi cho phát triển, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quận trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ xác định rõ thứ tự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung cho các dự án, công trình có tính chiến lược lâu dài và giải quyết những hạn chế, những vấn đề còn tồn đọng.
Trong quá trình đó, cấp ủy, chính quyền quận Hà Đông cần đổi mới mạnh hơn nữa tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trước hết, quận cần tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; làm tốt công tác tổ chức cán bộ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” và Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17-11-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố”.
“Đây là nhiệm vụ nhiều quận, huyện khác đã làm tốt, nhưng quận thực hiện còn chậm. Để thực hiện được, tập thể cấp ủy phải thảo luận thống nhất cao; trên cơ sở đó tổ chức thực hiện; cán bộ trong đối tượng phải chấp hành; thông qua việc này tạo động lực mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ...”- đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu Quận ủy Hà Đông phải tập trung tư duy, đề ra giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại trong cơ cấu kinh tế; xác định đây là con đường quan trọng để bảo đảo sinh kế lâu dài cho người dân, cũng là bảo đảm nguồn thu cho quận.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đồng thời khẳng định quan điểm của thành phố là tạo điều kiện hoàn thành thủ tục, bố trí vốn đầu tư sớm triển khai các dự án hạ tầng giao thông mang tính động lực phát triển cho khu vực phía Tây Nam thành phố, trong đó có quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ như Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đang triển khai, đường trục Bắc Nam, dự án đường sắt đô thị Yên Nghĩa - Xuân Mai, dự án đầu tư đường Hà Đông - Xuân Mai, đường Lê Văn Lương kéo dài...
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trước mắt, quận Hà Đông phải xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ; giải quyết các vấn đề tồn đọng như đất dịch vụ; tăng cường tiếp, đối thoại với công dân để giải quyết đơn thư, khiếu tại tố cáo; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời tập trung đầu tư ưu tiên vào 3 lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; triển khai quyết liệt Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.