Sáng nay (7/12) khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay (7/12) HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ cuối năm) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Sáng nay (7/12) khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 - ảnh 1
Quang cảnh lễ khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026

Dự khai mạc kỳ họp, về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.

Sáng nay (7/12) khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 - ảnh 2
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa XVI

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND Thành phố để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022; Kế hoạch năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Để chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tập trung, khẩn trương, để chuẩn bị các nội dung kỳ họp theo Quy chế phối hợp, với phương châm chủ động, chất lượng, “từ sớm, từ xa”. Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban HĐND Thành phố phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các bước thẩm tra theo Quy trình chuẩn bị kỳ họp, quy trình thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định.

Kỳ họp HĐND Thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất, hiệu quả, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành thời gian cho hoạt động thảo luận tại Tổ và tại Hội trường; dành thời gian 1 ngày cho Phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu, đại diện cho cử tri, Nhân dân Thủ đô để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng của kỳ họp, gồm các nội dung: Một là, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022 và quyết nghị kế hoạch năm 2023 của Thành phố.

Theo Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, năm 2022, Thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, Thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022; tăng trưởng tổng sản phẩm thành phố (GRDP) ước tăng 8,8%, thu ngân sách ước đạt khoảng 333.000 tỷ đồng, bằng 106,8% so với dự toán HĐND Thành phố giao và tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Thành phố còn triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng khác. Đó là, tổng kết và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Triển khai lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng sửa đổi Luật; Trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Triển khai Nghị quyết của Thành ủy và HĐND Thành phố về 3 lĩnh vực - cải tạo, nâng cấp trường học, các cơ sở y tế và tu bổ các di tích lịch sử giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; triển khai Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố...

Sáng nay (7/12) khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 - ảnh 3
Quang cảnh kỳ họp

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nêu, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND Thành phố cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục. Vì vậy, kỳ họp này, HĐND Thành phố dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của Thành phố.

HĐND Thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Kế hoạch tài chính, ngân sách; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ ngân sách; Kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai;…

Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để thống nhất chuẩn bị nội dung, đảm bảo đúng thẩm quyền và các quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với các nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND Thành phố thảo luận và quyết định, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.

Về hoạt động giám sát của HĐND Thành phố, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật. Thường trực HĐND Thành phố báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022; trình HĐND Thành phố quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát năm 2023 theo chương trình giám sát của HĐND Thành phố.

HĐND Thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn dự kiến về các nhóm vấn đề: Chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND Thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 của HĐND Thành phố. Chất vấn về 2 nhóm vấn đề: công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn Thành phố.

Đây là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô trước mắt và dài lâu; được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố. (Đây cũng là vấn đề đang được Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo).

Sáng nay (7/12) khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 - ảnh 4
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa XVI

Dự kiến tại kỳ họp này, Thường trực HĐND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung mới, quan trọng, thực hiện theo Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND Thành phố.

“Với phương châm lan tỏa không khí đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, các đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp”- Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.