Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước
(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Với cách làm bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và chặt chẽ, quy mô các xã, phường mới được sắp xếp tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính tổng thể các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Mở rộng không gian phát triển Hà Nội
Theo kế hoạch của Trung ương, từ ngày 1/7/2025 sẽ kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, đồng nghĩa chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) chính thức hoạt động.
Cùng với cả nước, 126 đơn vị hành chính cấp cơ sở của thành phố Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ mở ra không gian mới, tạo vị thế và vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm và rất mong đợi.

Nguyên tắc trọng tâm được thành phố thực hiện là các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố đã tính toán kỹ lưỡng yếu tố quy hoạch trong tương lai; tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển các đô thị trực thuộc Thủ đô; định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương...
Thành phố cũng xác định rõ tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Sơn Nam Thượng...).
Cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, cho đến thời điểm này, việc sắp xếp đơn vị hành chính của chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện triệt để chỉ đạo của Trung ương (giảm 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã), khi giảm đến 76% số xã, phường sau sắp xếp, dẫn đầu cả nước.
Đặc biệt, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã có tầm nhìn dài hạn, vì sự phát triển của Thủ đô, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là: “Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển”.
Phường Hồng Hà được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên). Phường Hồng Hà (mới) có diện tích tự nhiên hơn 15km2, quy mô dân số gần 123.300 người. Việc hợp nhất các khu vực dân cư, diện tích tự nhiên dọc theo trục sông Hồng thành phường Hồng Hà (phường mới) theo đúng chủ trương vừa được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, đã hiện thực hóa khát vọng kiến tạo không gian phát triển mới cho khu vực này.
Rõ ràng, sông Hồng không còn là ranh giới chia cắt, mà trở thành "sợi chỉ đỏ" kết nối, trung tâm của một không gian đô thị mới, năng động và giàu tiềm năng.

Một phần địa giới hành chính Q.Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao ẢNH: Nam Nguyễn
Nhiều người dân ở các phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cùng bày tỏ niềm vui khi phường Hồng Hà được thành lập sẽ không chỉ mở rộng không gian phát triển về văn hóa mà còn về kinh tế, xã hội.
Anh Đoàn Kiên Định, phường Phúc Xá (quận Long Biên) người trồng hoa dưới chân cầu Long Biên mong muốn sau khi sắp xếp thành phường mới những sắc hoa sẽ trải dài hai bên bờ sông, thay vì chỉ là một phần diện tích rất nhỏ như hiện nay; đồng thời tạo không gian phát triển mới, khai thác được giá trị cảnh quan của khu vực sông Hồng và dưới chân cầu Long Biên lịch sử.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết: "Trong quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Hồng, chúng ta có hai trục giao thông rất quan trọng. Tôi nghĩ sự quản lý của hệ thống đô thị hay quản lý đô thị của phường là một trong những cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể quản lý, phát triển và đầu tư một cách đồng bộ."
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho rằng sắp xếp đơn vị hành chính không đơn giản là về địa giới hành chính mà quan trọng là tạo ra không gian mới, sức bật mới cho phát triển; đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại hiện nay trong thực tế.
Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng với đất nước. Trong kỷ nguyên phát triển mới, các đơn vị hành chính cấp xã của Thủ đô sau khi được sắp xếp sẽ mở rộng về quy mô diện tích tự nhiên, dân số nhưng vẫn giữ vững không gian phát triển dài hạn, bảo đảm sự liền mạch trong tổng thể không gian phát triển của Thủ đô trong nhiều năm tới.
Đây là điều kiện tiên quyết để Hà Nội phát huy vị thế đặc biệt là trái tim của cả nước, là cực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của các khu vực lân cận và vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn
Các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập đã đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn mới...
Qua nắm bắt dư luận nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định Hà Nội đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, người dân đã thực sự được đặt vào vị trí chủ thể. Các cán bộ trong hệ thống chính trị đều vào cuộc trách nhiệm.
Thành phố cũng dự báo được các yếu tố tác động và có những giải pháp chủ động đi trước một bước, tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đáng chú ý, tên gọi của các xã, phường mới được lấy theo địa danh văn hóa, lịch sử, giữ lại tên của các quận, huyện là cách làm bài bản, khoa học, dân chủ, hợp lòng dân.
Bà Nguyễn Thanh Vân (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Đơn vị hành chính cấp xã mới với quy mô lớn hơn, chắc chắn sẽ là cú hích để cho các địa phương phát triển trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, chính quyền cấp cơ sở mới sẽ gần dân, bám sát dân và phục vụ người dân được tốt hơn, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Còn các chuyên gia cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025 được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.