Tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 14/10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
Tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân  - ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo khoa học tại điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 
Giá trị thời đại của “Cương lĩnh dân vận”
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, 70 năm đã trôi qua, song tác phẩm “Dân vận” vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Với bề dày tri thức và kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ và phương pháp đối với cán bộ làm công tác dân vận; những lệch lạc, yếu kém trong công tác vận động quần chúng. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học với những nhân tố tác động mới, những khó khăn, thách thức mới... Hội thảo khoa học này có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra...
 
Tại hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Việc đăng ký và thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện đồng bộ trên 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ cấp TP đến cơ sở; nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, “Con đường nở hoa”, “Tuyến đường không rác”, mô hình “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn và tội phạm ma túy”, “An ninh tự quản trong dòng họ”, “An ninh tự quản trong họ giáo”…
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vào những thành tựu mà TP đạt được, qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô.
 
Thời gian tới, công tác dân vận của Đảng bộ TP sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận; tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
 
Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực
 
Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
 
Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động nhân dân, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã kịp thời có những chủ trương, đường lối lãnh đạo công tác dân vận. Những kết quả của công tác dân vận đã góp phần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong những năm tới, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác dân vận phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm…
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động; cần tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, như lời Bác đã dạy “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
 
Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

Ấn tượng màn đồng diễn dân vũ của Phụ nữ Thủ đô kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ấn tượng màn đồng diễn dân vũ của Phụ nữ Thủ đô kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 5/5, gần 32.000 hội viên, phụ nữ Thủ đô với những trang phục như áo dài, áo dân tộc, áo cờ đỏ sao vàng...  đã đồng loạt thực hiện ấn tượng màn đồng diễn dân vũ tại 579 xã, phường, thị trấn, trên nền nhạc 3 ca khúc: Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên và Inh lả ơi.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 2 tiểu vùng: phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.