Thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội: Nghị quyết 128 của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả

PHÓNG VIÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 25/5, thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đóng góp vào thành công chung của cả nước có sự góp sức rất lớn của thành phố Hà Nội, đặc biệt là việc thực hiện chiến dịch tiêm phủ vaccie cùng các giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương thời gian qua, đại biểu Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

“Thành công của SEA Games 31 vừa qua một lần nữa cho thấy công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch thực sự hiệu quả. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các tầng lớp người dân, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhờ đó, đến nay các hoạt động của người dân đã trở lại bình thường, học sinh được trở lại trường” – đại biểu Quốc hội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội:  Nghị quyết 128 của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả - ảnh 1

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại  tổ

Chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong dự toán ngân sách chưa sát thực tế do những tác động của dịch Covid-19 cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhiều yếu tố khác, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng trong năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, với những diễn biến khó lường từ quốc tế.

Vì vậy, đại biểu cho rằng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cần chú trọng đến các yếu tố rủi do của nền kinh tế, đồng thời tập trung cho công tác giải ngân đầu tư công, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với địa phương TP Hà Nội, vừa qua Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về vấn đề này, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho biết Thành phố sẽ chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ ra vào; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ. Đồng thời, Thành phố sẽ chú trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa; cải tạo các chung cư cũ…

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ rất phần khởi về tình hình đất nước khi chúng ta khống chế được dịch Covis-19 một cách tích cực, khá bền vững và nhanh chóng chuyển qua phục hồi kinh tế với kết quả khá rõ nét.

“Những kết quả ấy là nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, khoa học trong trong kiểm soát dịch bệnh, mà thành công rực rỡ nhất là đã phổ cập vaccine Covid-19 trong Nhân dân”- đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng còn rất nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nhiều công trình, dự án để hoang hóa do nhiều nguyên nhân như vi phạm, thiếu vốn, năng lực của nhà đầu tư... Từ đó đại biểu đề nghị, công tác giám sát chuyên đề cần thực tiễn, sâu sát hơn, khi có kết luận các Sở, ngành cần đốc thúc, quan tâm hơn, để tạo sự chuyển biến trong xử lý các dự án treo.

Phát biểu thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, thời gian qua du lịch có phục hồi nhưng chưa nhiều, chưa bền vững. Góp ý về giải pháp khôi phục phát triển du lịch, đại biểu cho rằng, vấn đề visa là một trong những yếu tố quyết định để khách đến Việt Nam nhiều hơn. Đại biểu góp ý cần tăng thêm số quốc gia được miễn visa và không chỉ thời hạn 15 ngày mà có thể miễn visa 30 ngày để khách lưu lại lâu hơn.

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Bùi Huyền Mai nhắc lại thời điểm ra đời của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu năm 2017, trong lúc tình hình nợ xấu tăng cao.

Đại biểu cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết 42 gồm 2 mục tiêu chính, đó là hình thành được thị trường mua bán nợ xấu minh bạch và tạo ra hành lang pháp lý về quyền thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến các khoản nợ xấu.

Qua thời gian triển khai đến nay, đại biểu nhận thấy, mục tiêu cơ bản nhất đạt được đó là cải thiện ý thức trả nợ của khách hàng, vì khi có hành lang pháp lý, khách hàng tự thấy phải trả nợ nếu không sẽ bị xử lý bằng các hình thức khác.

“Đó là mục tiêu cơ bản nhất đạt được, còn từ góc độ của người nghiên cứu pháp luật, chúng tôi cho rằng, 2 mục tiêu ban đầu chưa đạt được như mong muốn của Quốc hội”, đại biểu Bùi Huyền Mai nêu ý kiến.

Đại biểu dẫn chứng thêm, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới là hơn 250.000 tỷ đồng, và hơn 412.000 tỷ đồng chưa xử lý, thị trường mua bán nợ đến nay vẫn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý chưa đồng bộ.

Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 cần có cam kết cụ thể, bởi nếu không không xử lý được nợ cũ hiện hữu lại có nguy cơ tiếp tục phát sinh nợ xấu, vậy trách nhiệm như thế nào?

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN và PTNT - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 trên thực tế còn nhiều khó khăn bất cập, song không thể phủ nhận những tác động tích cực mà nghị quyết mang lại nhằm giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Trong đó, ý thức trả nợ của khách hàng được cải thiện vì họ không muốn xử lý tài sản đảm bảo.

Dẫn số liệu lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380, 2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, đại biểu cho rằng điều này giúp khơi thông dòng vốn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

“Thời gian qua dịch Covid-19 tác động đến hầu hết doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp phải phá sản nên nguy cơ nợ xấu rất cao. Cùng với đó là những tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và những khó khăn chung của kinh tế thế giới tác động đến doanh nghiệp nên nợ xấu sẽ vẫn tăng cao.

 “Vì thế, nếu chúng ta không có hệ thống pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu như “cục máu đông” này sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 sau khi hết hạn vào tháng 8 tới là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế” – đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận tổ đại biểu Hà Nội, trao đổi thêm với ý kiến của đại biểu Dương Minh Anh, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin rõ thêm về giá sách giáo khoa và việc sách có dùng được nhiều lần hay chỉ 1 lần.

“Việc này, tôi không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để các đại biểu biết thêm”, Đại biểu Quốc hội - Bộ trưởng mở đầu phần phát biểu.

Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá sách thì chúng ta có cái so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.

Ông dẫn ví dụ sách mới cho các lớp 1, 2, 3, 7, 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách. Các loại sạch này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Bộ trưởng GD-ĐT phân tích, bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá thành sách NXB Giáo dục năm nay là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 thì các sách mà nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.

Nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000-100.000 đồng, còn giá bộ sách mới giá thành dao động từ 200.000-300.000 đồng tùy từng loại sách.

Bộ trưởng cho rằng, nếu như so với sách của hệ thống cũ thì thấy khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì nó đồng đẳng, hợp lý hơn.

“Nếu như so với các bộ sách mà nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Bộ trưởng cũng cho hay, với NXB Giáo dục thì Bộ đã chỉ đạo mỗi bản sách có dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, cần có các biện pháp khác.

Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành thì đã yêu cầu NXB cung cấp file PDF lên các trang của NXB để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện.

Bộ cũng đang triển khai các giải pháp để đưa giá sách ở mức hợp lý nhất nhằm thuận tiện cho người học.

Về thông tin trên mạng nói rằng sách giáo khoa không dùng lại, Bộ trưởng khẳng định “các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần”.

Ông cho hay chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong. Cụ thể giai đoạn này thay lớp 1, 2, 3, 7, 10, còn năm tới là lớp 4, 8, 11. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới.

“Nhưng những sách biên soạn mới là những sách hoàn toàn có thể dùng lại được và các thư viện của các trường, bộ cũng đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào các thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần”, ông Sơn nói.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).