Thất vọng vì "đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn" được "đá" lên cấp trên!

Chia sẻ

PNTĐ-Sáng 13/6, Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành NNH đã họp thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và HĐCD GS Nhà nước "làm rõ nghi án đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn".

 
Phóng viên các Báo có mặt từ sớm, phỏng vấn các vị trong Hội đồng và kiên trì ngồi chờ kết luận của Hội đồng. Nhưng kết thúc buổi họp thì mọi việc lại chưa ngã ngũ. “Một số thành viên trong hội đồng cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nên chưa thể kết luận và đề nghị báo cáo lên cấp trên” - một thành viên trong Hội đồng chia sẻ. Như vậy, vụ việc có thể sẽ được “đá” lên cấp trên để giải quyết. Trả lời phỏng vấn của PNTĐ, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch HĐ, chủ trì cuộc họp cho biết: "HĐ sẽ có văn bản báo cáo cấp trên sau vài ba ngày nữa".
 
Qua đây có thể thấy rằng HĐ Ngành chưa thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên.
 
1. Hội đồng Ngành chưa thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
 
Ngày 27/5/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nghi vấn đạo văn của GS.TS. Nguyễn Đức Tồn, bảo đảm nghiêm minh, khách quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thiết nghĩ cần phải chú ý đến các vấn đề sau:
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nội dung mà Bộ GD-ĐT cần làm là: làm rõ nghi vấn đạo văn của GS.TS. Nguyễn Đức Tồn. Điều này phải được chú ý, bởi vì, trong các phát biểu với báo chí và kiến nghị gửi Thủ tướng Chính Phủ, đương sự - ông Nguyễn Đức Tồn mong muốn qua Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào Tạo làm rõ đợt xét phong năm 2009 ông có xứng đáng được phong Giáo sư hay không. Đây là cách đánh lạc hướng Bộ GD-ĐT và HĐ thẩm tra cũng như công luận của ông Nguyễn Đức Tồn; bởi vì trong hồ sơ xin xét phong GS năm 2009, ông Tồn đã xóa sạch các dấu vết đạo văn.
 
Công luận đặt câu hỏi “Tại sao ông Tồn đạo văn vẫn được phong GS” tức là muốn Bộ GD-ĐT làm rõ: ông Tồn đạo văn có hệ thống từ năm 2002, đã 2 lần bị bác hồ sơ trong các đợt xin xét phong (năm 2002 và 2006), tại sao năm  2009 vẫn được HĐ Chức danh các cấp đồng ý phong GS. Nếu HĐ chức danh ngành Ngôn ngữ học sa đà vào việc xem xét hồ sơ năm 2009 của ông Tồn có xứng đáng được phong GS hay không là rơi vào bẫy của ông Tồn, không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
 
Thất vọng vì
Ông Tồn và cuốn sách đạo văn

 
Đến đây cần nhấn mạnh rằng: Nếu hồ sơ 2002 và 2006 của ông Tồn bị bác vì lí do chuyên môn thuần túy, chẳng hạn thiếu công trình (quy thành điểm), thiếu điều kiện hướng dẫn thành công luận án tiến sĩ, thiếu điều điện chủ trì đề tài khoa học, thì đến năm 2009, nếu ông Tồn đã phấn đấu có đầy đủ các điều kiện ấy, thì việc thừa nhận chức danh GS của ông Tồn sẽ là đúng và không gây bức xúc. Nhưng lí do chủ yếu của việc bác hồ sơ 2002 và 2006 của ông Tồn là lí do ông này không trung thực (đạo văn) tức ông này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục và không đáp ứng tiêu chuẩn trung thực, như điều khoản 1 và 2 điều 8 QĐ 174/2008 QĐ-TTg đã quy định, vì thế việc HĐ Chức danh các cấp đồng ý cho ông Tồn được phong GS là không thỏa đáng, nên đã gây bức xúc trong công luận. Một người đã đạo văn, đã không trung thực thì từ đó mãi về sau không thể được phong các chức danh PGS, GS, chính QĐ 174/2008 QĐ-TTg đã nhấn mạnh điều này.
 
2. Để đương sự đang bị xem xét vi phạm tham gia họp mà lại không trưng cầu ý kiến "bị hại" là không đúng:
 
Theo quy định của HĐCD Nhà nước đối với việc họp xét phong GS, PGS, nếu thành viên của HĐ có hồ sơ xin xét phong, thì thành viên đó không được dự thẩm định hồ sơ và bỏ phiếu xét phong. Việc ông Tồn – nghi can đạo văn lại tham dự các cuộc họp của HĐ thẩm tra xem xét là  phi lý, không đúng với quy định về cách làm việc của HĐCD và không đảm bảo tính nghiêm minh và khách quan như yêu cầu của PTT. Để nghiêm minh, khách quan, công bằng, ông Nguyễn Đức Tồn có thể làm tờ trình gửi cơ quan có thẩm quyền (như ông đã nhiều lần làm). 
 
Mặt khác, TS Nguyễn Thúy Khanh, một trong những người bị ông Tồn cướp bản quyền, lại bị ông Tồn vu là người đạo văn  cũng phải có tiếng nói, để cơ quan có thẩm quyền có thể nghe từ nhiều phía, đảm bảo việc xem xét công bằng. Trên một số báo, bà Nguyễn Thúy Khanh đã công khai bày tỏ yêu cầu này, nhưng lại không được HĐ trưng cầu đến.
 
Để giải quyết vụ việc nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn một cách nghiêm minh, khách quan như yêu cầu của PTT, việc thành lập HĐ thẩm tra xem xét phải nghiêm minh và khách quan. HĐ chức danh Nhà nước giao việc này cho HĐ ngành Ngôn ngữ học, theo GS.TS Nguyễn Văn Lợi (nguyên Thư ký HĐCD Ngành NNH) cho rằng "cách làm này có những bất hợp lý như sau:
 
a. HĐ ngành ngôn ngữ học đương nhiệm có quá nửa thành viên là những người trước đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc “ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn mà vẫn được phong GS”, như công luận lên tiếng đòi trả lời. Liệu các thành viên này có đủ sự công tâm, bản lĩnh, để họ nhận cái sai trước đây của họ không? 
 
b. Hơn nữa, như trong kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Tồn đòi hỏi, mặc cả, rằng nếu tước học hàm GS của ông, thì cũng phải tước bằng GS của những vị khác, thành viên của HĐ Ngành Ngôn ngữ học. Và xa hơn, ông đem cả một số quan chức ra để mặc cả. Ngón đòn gây hiệu ứng domino của ông Tồn quả là thâm sâu, có thể khiến nhiều vị trong HĐ Ngành NNH giật mình, mà run tay khi biểu quyết. 
 
c. Ngoài ra, ông Tồn còn lấy danh dự uy tín của cả ngành NNH ra làm con tin để mặc cả: "Nếu Nguyễn Đức Tồn bị tước học hàm GS thì xấu cả ngành NNH" (trong khi ngược lại mới đúng, vì để một người đạo văn là GS thì mới là xấu cả ngành). Điều này cũng dễ làm các nhà ngôn ngữ học ngần ngại. 
Do vậy, theo GS Nguyễn Văn Lợi, để vụ việc được giải quyết một cách nghiêm minh,  khách quan, công bằng, Bộ GD-ĐT phải thành lập một tổ công tác đặc biệt, gồm Thanh tra của HĐ CD Nhà nước, vụ Pháp lí của Bộ GD-ĐT, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, kết hợp với sự tham vấn của một số nhà ngôn ngữ học (để khách quan, có thể mời các nhà ngôn ngữ học thuộc các cơ sở nghiên cứu, đào tạo không phải Viện Ngôn ngữ học)". 
 
Một vụ đạo văn gây bức xúc kéo dài quá lâu, mà đến HĐ Ngành họp cũng không đưa ra được kết luận chính thức. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng việc thẩm định không hề khó khăn, nhưng có lẽ vì tâm lý nể nang và vì quyền lợi nào đó của một vài cá nhân trong HĐ đã không công tâm làm cho sự việc được sáng tỏ?
 
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ ĐH XHNV QG) cho rằng:
 
1)  Tôi không bất ngờ về kết quả cuộc họp của HĐ Ngành vì như tôi đã nói, nhiều thành viên của HĐ ngành có liên đới trách nhiệm nên khó khách quan.   
 
2) Vụ việc vì vậy cần phải được giải quyết ở cấp cao hơn là HĐGSNN hoặc Bộ GDĐT. Cách hay nhất là thành lập một HĐ bao gồm thanh tra của HĐGSNN hoặc của Bộ GDĐT, các chuyên gia pháp lý và một số chuyên gia ngành NNH để xem xét kết luận.
 
3) Nếu vụ việc này mà cho qua thì sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho khoa học. Từ nay:
- Các HVCH, NCS cứ thoải mái chép các công trình nghiên cứu của người khác vào luận văn, luận án của mình để bảo vệ, chỉ cần ghi chú: chương/mục này được viết dựa trên tư liệu của công trình x, y.
 
 -Tương tự, các TS hay PGS cứ thoải mái lấy luận văn, luận án do mình hướng dẫn đưa vào sách giáo trình hoặc chuyên khảo để in cho đủ tiêu chuẩn làm PGS hoặc GS, chỉ cần ghi chú: chương/mục này được viết dựa trên tư liệu của các luận văn x, luận án y.
 
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN cho rằng, cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc hơn nữa để làm rõ vụ việc đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, cần xử lý quyết liệt, chứ không thể kéo dài thêm nữa.
 
Nguyễn Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

(PNTĐ) - Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” là một trong những sự kiện lớn chào mừng đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Điện Biên chủ trì thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Ký ức Điện Biên năm xưa

Ký ức Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến những trận đánh sân bay Mường Thanh, bảo vệ vùng trời Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng pháo binh, súng máy phòng không, ánh mắt Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa (hiện đang sống tại thôn C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lại sáng ngời.
Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trao tặng các công trình, phần việc ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cán bộ hội viên phụ nữ và người dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.