Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ. Trong đó, Thủ tướng đôn đốc phải hoàn thành dự án đường Vành đai 4 và các công trình trọng điểm đúng tiến độ; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số hài lòng của người dân; giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị. Thủ tướng cũng nhấn mạnh về lĩnh vực y tế, giáo dục.

Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tham gia buổi làm việc về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh Viết Thành

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã...

Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán.

Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.

Sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; khách du lịch đạt khoảng 3,5 triệu lượt, tăng 33,2%). Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.

Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…); ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ - ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, đối với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, thành phố đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% số huyện, xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngân sách thành phố đã hỗ trợ thực hiện chương trình gần 2.700 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, còn 3/35 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn gần 1.600 tỷ đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, giải pháp giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm xuống còn 0,03%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 rõ trong phân công thực hiện” (rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ kết quả cuối cùng) và “3 rõ trong kiểm tra, giám sát” (rõ thẩm quyền và trách nhiệm - rõ quy trình, tiến độ và kết quả - rõ kết quả kiểm tra xử lý) gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ - ảnh 3
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại hội nghị. 

Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, trước hết là khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...

Thành phố thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ… Hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chỉ đạo, điều hành; đưa vào vận hành chính thức: Trung tâm dữ liệu lớn; Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tại cuộc làm việc, thành phố Hà Nội nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, như xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô...

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội về mọi mặt.

“Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ.

Hà Nội phải nhận thức sát với tình hình, đưa ra các giải pháp có trọng tâm, hiệu quả hơn

Thủ tướng đánh giá, trong 7 tháng đầu năm nay, Hà Nội có 10 điểm sáng. Trong đó, về kinh tế, Hà Nội đạt nhiều kết quả phát triển ấn tượng. Về xây dựng thể chế, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Đầu tư công đã khắc phục được tình trạng dàn trải. An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra 5 điểm tồn tại, hạn chế của Hà Nội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 6% là ấn tượng nhưng Chính phủ mong muốn Hà Nội phải đạt tăng trưởng cao hơn nữa, vượt trội so với cả nước.

Tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội vẫn nhức nhối. Hà Nội cũng còn thiếu các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm vóc khu vực, quốc tế…

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, khó khăn thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, Hà Nội phải nhận thức sát với tình hình, đưa ra các giải pháp có trọng tâm, hiệu quả hơn.

Thủ tướng gợi ý Hà Nội cần tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên, cần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.

Cùng đó, TP rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ này, trên cơ sở đó cái gì đã làm được thì phải làm tốt hơn, cái gì chưa làm được thì phải nỗ lực hơn, cái gì khó thực hiện thì phải có giải pháp đột phá với quyết tâm cao hơn.

Đồng thời, Hà Nội phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô; tiếp tục cải cách hành chính; đảm bảo an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ. Trong đó, Thủ tướng đôn đốc phải hoàn thành dự án đường Vành đai 4 và các công trình trọng điểm đúng tiến độ; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số hài lòng của người dân; giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị. Thủ tướng cũng nhấn mạnh về lĩnh vực y tế, giáo dục.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội không để thiếu thuốc chữa bệnh. Vào năm học mới, không để thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, dứt khoát không để tăng giá giáo dục đầu năm học mới. Về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu làm tốt, nghiêm túc công tác tăng lương nhưng không để tăng giá…

Về các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp lại, báo cáo các Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực phân công các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội để giải quyết, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung vào 10 nhiệm vụ - ảnh 4
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Ảnh Viết Thành

Phát biểu sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí lãnh đạo, bộ ngành, Trung ương.Trên cơ sở đó, tới đây, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các giải pháp để thực hiện hiệu quả.

 

Tin cùng chuyên mục

Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

(PNTĐ) - Trải qua hơn 15 năm với sứ mệnh trao quyền để thay đổi cuộc sống cho hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam, chương trình trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo kỹ năng trong ngành làm đẹp - L’Oréal Beauty for a better life (L’Oréal - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn) đã trở thành chương trình truyền cảm hứng và trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ dám mơ ước và quyết tâm vượt qua khó khăn để thành công trong ngành làm đẹp.
Ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông là xu hướng tất yếu

Ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông là xu hướng tất yếu

(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, việc ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Các doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện hiệu quả và chất lượng công việc của họ.
Các địa phương, đơn vị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận

Các địa phương, đơn vị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận

(PNTĐ) - Sáng 19/12, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và sơ kết 5 năm Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông

Tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông

(PNTĐ) - Phát biểu kết luận phiên họp giải trình, sáng 19/12, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Phiên họp đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thực chất, với tinh thần xây dựng và hiệu quả cao. Thường trực HĐND Thành phố, các vị đại biểu HĐND Thành phố đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tập trung trao đổi, nêu yêu cầu giải trình tập trung vào nhóm vấn đề: công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố Hà Nội.