Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam:

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 19/11, đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Đến tham dự Lễ kỷ niệm có: Ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch....

Đến tham dự buổi lễ còn có các Đồng chí ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Tỉnh/thành ủy, UBND, HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam; Lãnh đạo các Vụ/Cục; các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; các Sở GD&ĐT.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - ảnh 1
Các đại biểu tham dự buổi lễ

Đặc biệt, là các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành phố.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước

 Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - ảnh 2
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam.

Theo Thủ tướn, trong những năm tháng chiến tranh đầy cam go, ác liệt nhưng với tinh thần “Ở đâu có dân, ở đó có lớp học”, “Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó”, các nhà giáo cách mạng với tâm huyết, trách nhiệm đã vượt biết bao gian nan, hiểm nguy để dựng trường, mở lớp, chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy, một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhiều năm liền Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ hội, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách mới. Sự nghiệp giáo dục đào tạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua"- Thủ tướng nói.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế…”; “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”.

 Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ, giáo dục đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan. 

 Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng tin tưởng với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 Tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định thành công đổi mới giáo dục

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo

Theo Bộ trưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sỹ, hơn 43 nghìn phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Đội ngũ đông đảo các nhà giáo đang tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, từ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hội và liên hiệp hội, các tổ chức xã hội, họ là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết và có trách nhiệm trong các hoạt động của đất nước.

Theo Bộ trưởng, đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Giáo dục và các nhà giáo có đóng góp quan trọng.

Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - ảnh 4
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính trao tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Bộ trưởng đồng thời khẳng định: Bộ GD&ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.

Sự quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp và điều kiện làm việc, đặc biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1/7 năm 2023 tới sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn lãnh đạo các bộ ban ngành của các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm và hỗ trợ toàn diện cho giáo dục đào tạo và cho các nhà giáo.

Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian qua luôn gắn bó, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT. Cảm ơn các thầy cô đã biến các chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Mãi tự hào về nghề giáo

Trong chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Cho đến thời điểm này, sau chặng đường 32 năm nhìn lại, cá nhân tôi luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Nó thậm chí ngày càng trở lên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Bởi vì, nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo với ba mươi năm tuổi nghề, thậm chí 50-60 năm tuổi đời không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm công nghệ thông dụng như hiện nay. Chẳng hạn, chỉ với một cụm từ khóa nhất định, trong vòng 0.42 giây, Goole đã cho chúng ta khoảng  60 triệu kết quả.

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - ảnh 5
cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ tại buổi lễ

"Vậy, điều gì đã khiến cho nghề dạy học không thể biến mất và vai trò của người thầy không thể bị thay thế dù công nghệ phát triển đến đâu? Tôi cho rằng, có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học" - cô Thúy cho biết.

 

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.